Thuốc gây tê được dùng qua đường tiêm, việc sử dụng thuốc chỉ cần một sai sót nhỏ cũng để lại những hậu quả khôn lường, đặc biệt là nhiễm độc cấp tính. Vậy làm thế nào để xử lý khi gặp tình huống này?
Các bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ chia sẻ về xử lý ngộ độc khi gây tê tại chỗ qua bài viết sau đây!
Thuốc gây tê tại chỗ
Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, trên thị trường dược phẩm có rất nhiều loại thuốc gây tê tại chỗ như novocain, lidocain, bupivacain thường được sử dụng để giảm đau trong các thủ thuật và tiểu phẫu thuật ở ngoài da và niêm mạc hoặc để phong bế các dây thần kinh cảm giác. Một ưu điểm nổi bật của thuốc gây tê tại chỗ nếu sử dụng đúng cách thì ít hấp thu vào máu nên ít có tác dụng phụ toàn thân. Khi sử dụng thuốc tê tại chỗ, bệnh nhân thường có thể gặp một số phản ứng dị ứng hay tình trạng nhiễm độc do nồng độ thuốc trong máu cao quá mức cho phép.
Sau khi gây tê, nồng độ thuốc tê có thể tăng cao trong máu vì nhiều lý do khác nhau như thuốc gây tê được tiêm vào mạch máu, tốc độ tiêm quá nhanh, dùng vượt quá liều quy định hoặc do thuốc hấp thu vào máu quá nhanh khi gây tê ở một vùng giàu mạch máu (đặc biệt là các vùng niêm mạc). Đặc biệt, bệnh nhân khi được sử dụng thuốc tê để phong bế thần kinh liên sườn, thuốc cũng hấp thu nhanh hơn so với khi tiêm dưới da nên nồng độ thuốc trong máu cũng có thể tăng cao.
Triệu chứng cảnh báo bệnh nhân bị nhiễm độc thuốc gây tê
Nhiễm độc thuốc gây tê thường ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch. Nhưng các biểu hiện ở hệ thần kinh trung ương thường gặp nhiều hơn và xuất hiện sớm hơn so với các biểu hiện ở hệ tim mạch.
Những trường hợp nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh bị một số triệu chứng khi ngộ độc thuốc tê lên thần kinh trung ương như: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tê bì đầu chi, rối loạn vị giác, lú lẫn và buồn ngủ. Trong quá trình tiêm, bác sĩ cần liên tục hỏi bệnh nhân về cảm giác của họ, nhằm phát hiện nhanh dấu hiệu nghi ngờ nhiễm độc thuốc để lập tức ngừng tiêm nhằm tránh những biến chứng bất lợi cho bệnh nhân. Những trường hợp nặng, người bệnh có thể co giật, mất ý thức, hôn mê, suy hô hấp và ngừng thở. Tùy thuộc vào loại thuốc và tốc độ tăng của nồng độ thuốc trong máu, bệnh nhân có thể tỉnh lại sau một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, khi ngộ độc thuốc tê ở các trường hợp nhiễm độc nhẹ hoặc trong giai đoạn sớm, người bệnh cũng có thể bị nhịp tim nhanh và tăng huyết áp, đặc biệt là khi thuốc gây tê được tiêm kết hợp với adrenalin. Sau đó, người bệnh thường biểu hiện nhịp tim chậm và tụt huyết áp. Những trường hợp nặng, người bệnh có trụy tim mạch và rối loạn nhịp tim do tác dụng gây độc trực tiếp của thuốc tê trên tế bào cơ tim. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu lâm sàng bupivacain có độc tính trên cơ tim cao hơn so với lidocain. Rối loạn nhịp tim do thuốc gây tê có thể rất nặng và dai dẳng, khó điều trị. Nồng độ thuốc gây tê đủ để gây trụy tim mạch thường cao gấp 4-7 lần nồng độ thuốc đủ để gây ra co giật.
Các biểu hiện nhiễm độc cấp tính thường xảy ra do nồng độ thuốc tăng nhanh trong máu. Do đó, khi tiêm nhanh một liều nhỏ của thuốc gây tê cũng có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc cấp tính.
Hướng dẫn cách dự phòng và điều trị nhiễm độc do sử dụng thuốc tê tại chỗ
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ, bác sĩ cần kê đơn và sử dụng đúng liều thuốc, lựa chọn những thuốc ít độc tính, giảm liều thuốc ở những người bệnh lớn tuổi hoặc có thể trạng ốm yếu. Đặc biệt, khi sử dụng, cán bộ y tế cần tiêm thuốc chậm và lưu ý rút pit tông liên tục trong khi tiêm xem có máu ra không để đề phòng tiêm vào mạch máu.
Bác sĩ giảng viên Văn bằng 2 Cao đẳng Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp sử dụng thuốc gây tê kết hợp với adrenalin (epinephrin) cũng là một biện pháp có thể giúp giảm tốc độ hấp thu thuốc vào máu. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm phối hợp với adrenalin gây giảm nồng độ tối đa của thuốc gây tê trong máu khoảng 50%. Adrenalin thường được pha ở nồng độ 1/200.000, với liều tối đa là 200 microgam. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng việc tiêm phối hợp với adrenalin sẽ không giúp giảm được độc tính của thuốc gây tê nếu hỗn hợp thuốc được tiêm vào mạch máu.
Nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, trước khi tiêm thuốc tê cần chuẩn bị sẵn đường truyền tĩnh mạch và các thuốc và phương tiện cấp cứu trước khi gây tê. Sau khi gây tê, người bệnh cũng cần được theo dõi tại cơ sở y tế để phát hiện sớm các độc tính của thuốc có thể xảy ra sau đó.
Đối với trường hợp, bệnh nhân xuất hiện một số triệu chứng nghi ngờ nhiễm độc thuốc gây tê trong quá trình tiêm, nhân viên y tế cần ngưng ngay quá trình tiêm và mở đường truyền tĩnh mạch. Phải đảm bảo thông thoáng đường thở và cho bệnh nhân thở ôxy nồng độ cao nếu có. Cung cấp đủ ôxy giúp ngăn ngừa tổn thương não, tình trạng co giật và các rối loạn nhịp tim khó kiểm soát.
Nếu bệnh nhân xuất hiện co giật, có thể dùng diazepam tiêm tĩnh mạch hoặc đặt hậu môn. Các trường hợp hôn mê phải nhanh chóng đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy. Nếu bệnh nhân bị trụy tim mạch, cần điều trị bằng truyền dịch và các thuốc co mạch như ephedrin. Trường hợp sử dụng ephedrin không hiệu quả, có thể dùng adrenalin dung dịch 1:1000 tiêm dưới da 0,3ml hoặc dung dịch 1:10,000 tiêm tĩnh mạch chậm 0,5 - 1ml. Điều trị các rối loạn nhịp tim nếu có, ép tim khi có ngừng tuần hoàn.
Nhiễm độc thuốc gây tê thường không quá nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh được phát hiện và điều trị sớm tại các cơ sở y tế uy tín. Tình trạng nhiễm độc thường nhanh chóng hồi phục không để lại di chứng nếu được điều trị đúng cách và kịp thời.
Trên đây là những thông tin tổng hợp một số cách đề phòng cũng như xử lý khi bị nhiễm độc thuốc tê. Tuy nhiên, những thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo không được dùng thay thế chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ.