Từ xa xưa, trà thảo mộc được xem là vị thuốc quý giúp hỗ trợ sức khỏe. Một trong những tác dụng lớn của trà thào dược được khuyên dùng bởi nhiều chuyên gia là giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Trà hoa cúc
Theo Y Học cổ truyền trà hoa cúc thường được dùng để điều trị nhiều chứng bệnh, bao gồm chứng mất ngủ. Trong thành phần trà hoa cúc có rất nhiều hoạt chất có tác dụng an thần, gây buồn ngủ. Cụ thể, một thành phần trong hoa cúc là Apigenin có tính chất kết hợp với các thụ thể gây buồn ngủ trong não. Tóm lại, trà hoa cúc là một dược liệu an thần an toàn cho phụ nữ có thai, người già và có tác dụng ổn định giấc ngủ rất tốt. Để pha trà hoa cúc, chúng ta cần lấy 4 muỗng hoa cúc tươi hoặc 2 muỗng hoa cúc khô ngâm trong một ly nước sôi. Ngâm hoa trong 5 phút hoặc đến khi nước đổi màu, chắt lấy nước, bỏ phần xác hoa. Trà hoa cúc nên uống ngay sau khi pha và khi nước còn ấm. Chúng ta có thể uống 1-2 ly mỗi ngày để đạt kết quả tốt nhất.
Lưu ý khi sử dụng trà hoa cúc
- Đối với những người bị dị ứng phấn hoa, lá, cây thì cũng có thể bị dị ứng với trà hoa cúc.
- Khi sử dụng trà hoa cúc với liều lượng lớn có thể sẽ gây tác dụng phụ như buồn nôn, sưng họng, khó thở và sốc phản vệ.
- Một số chất kích ứng có thể có trong hoa cúc sẽ khiến cơn ho của bệnh nhân hen suyễn tái phát.
Trà hoa oải hương
Trà hoa oải hương là một loại thảo dược có màu tím được sử dụng từ lâu đời. Không những tạo ra mùi hương dễ chịu, hoa oải hương còn được dùng để pha trà. Trà hoa oải hương khi uống vào buổi tối sẽ giúp tạo cảm giác thư giãn và hỗ trợ giấc ngủ. Tinh dầu hoa oải hương đã được nhiều nghiên cứu chứng minh trên lâm sàng có khả năng cải thiện chất lượng và thời gian ngủ. Đồng thời, hoa oải hương còn giúp giảm số lần thức giấc vào ban đêm và cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, hoa oải hương còn giúp giảm sự mệt mỏi sau khi ngủ dậy.
Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn lưu ý cần nhớ khi sử dụng hoa oải hương
- The National Institutes of Health (NIH) khuyến cáo tránh sử dụng trà hoa oải hương cho đối tượng phụ nữ mang thai. Vì chưa xác định được mức độ an toàn của oải hương đối với người đang mang thai và cho con bú.
- Không được sử dụng trà hoa oải hương cho nam giới trong độ tuổi dậy thì vì khi sử dụng hoa oải hương sẽ gây ra chứng nữ hoá tuyến vú trước tuổi dậy thì, ngoài ra hoa oải hương còn gây ra tình trạng mô vú to ở các bé trai trước tuổi dậy thì.
- Những người có làn da nhạy cảm hoặc dễ bị dị ứng với hoa hay cây cỏ, nên kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng hoa oải hương, vì nó có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người.
Trà cây Nữ Lang
Rễ của Nữ Lang là một loại dược liệu đã được dùng từ bao đời nay để điều trị các vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Rễ nữ lang giúp giảm căng thẳng, lo lắng, đau đầu và làm nhịp tim chậm là các điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ. Ngoài tác dụng giúp bạn có giấc ngủ nhanh chóng và duy trì giấc ngủ ngon, rễ nữ lang còn rất ít tác dụng phụ. Hai thành phần tự nhiên trong rễ cây có tính an thần Valepotriates và sesquiterpenes đóng vai trò chính trong tác dụng trên. Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy khó chịu khi uống rễ nữ lang vì dược liệu này có mùi vị lạ. Vì vậy, có thể kết hợp thêm mật ong để hạn chế mùi của dược liệu.
Lưu ý khi dùng dược liệu nữ lang
Không dùng dược liệu nữ lang cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, và trẻ em dưới 3 tuổi.
Không sử dụng kết hợp rễ cây nữ lang với rượu, thuốc hỗ trợ giấc ngủ hoặc thuốc chống trầm cảm, các loại thuốc an thần.
Rễ dược liệu nữ lang cũng có tác dụng an thần và có thể gây nghiện.