Năm học 2019-2020 tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức trần học phí các trường Đại học (ĐH). Nếu đáp ứng một số điều kiện, sẽ được tự chủ mức thu học phí nhưng cũng cần đảm bảo hài hòa lợi ích của sinh viên và nhà trường.
Các trường ĐH tăng học phí phải đảm bảo hài hòa giữa các bên
Học phí luôn là nỗi lo
Theo Điều 5 của Nghị định 86/2015/NĐ-CP, mức trần học phí của các trường ĐH được quy định riêng cho 2 nhóm trường. Trong đó, đối với các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, đầu tư, mức trần học phí trong giai đoạn năm học 2019-2020 vẫn được giữ ổn định như năm học 2018- 2019.
Cụ thể, với khối ngành, chuyên ngành đào tạo khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, mức thu học phí là 1.850.000 đồng/tháng. Đối với khối ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch, mức thu là 2.200.000 đồng/tháng. Khối ngành y dược là 4.600.000 đồng/tháng.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã trao quyền tự chủ, tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư cho 23 trường ĐH. Đối với các trường chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư, mức trần học phí được quy định tăng đến 10,16%/tháng. Trong đó, khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản tăng từ 810.000 đồng/tháng năm học 2018-2019 lên mức 890.000 đồng/tháng năm học 2019-2020. Tương tự, khối ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch tăng từ 960.000 đồng/tháng lên 1.060.000 đồng/tháng. Khối y dược tăng từ 1.180.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên đây là quy định mức trần học phí ĐH tối đa trong năm học 2019-2020 do Chính phủ quy định, mức học phí tăng cụ thể sẽ do từng trường ĐH ấn định, đảm bảo không cao hơn mức tối đa do Chính phủ đề ra.
Cần có lộ trình phù hợp
Nhìn từ 23 trường ĐH công lập sau khi được Nhà nước giao thực hiện tự chủ đều nâng mức học phí lên cao hơn hẳn so với trước đó. Việc này khiến cho dư luận xã hội cũng như các sinh viên đặc biệt lo lắng.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nâng học phí là điều không tránh khỏi, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã nêu rõ các trường ĐH tự chủ được quyết định học phí. Tuy nhiên, các trường cân nhắc học phí đến mức nào để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng tiếp cận học ĐH của người học. Cân nhắc lộ trình tăng học phí phù hợp với khả năng chi trả và tiếp cận của người học ở các vùng quê khác nhau là điều các trường cần tính toán đến.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Nhà trường công khai, minh bạch mức học phí toàn khóa học để người học được biết, có sự chuẩn bị, tránh xảy ra bất ngờ. Ví dụ, học phí các ngành ĐH chính quy từ 15 - 18,5 triệu đồng/1 năm học, mức tăng học phí mỗi năm không quá 10%. Như năm học 2019-2020, nhà trường chỉ tăng học phí khoảng 5%.
Cũng về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, sắp tới Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và tới đây Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện thu học phí theo Điều 65. Các trường ĐH đáp ứng Khoản 2, Điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ mức thu học phí.... Tuy nhiên, việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kỹ thuật, sẽ được thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ.
Bà Thủy cũng lưu ý, các trường ĐH tự chủ xác định mức học phí thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của người học với sinh viên và nhà trường. Đồng thời, không gây ra sức ép quá lớn về tài chính đối với các trường trong khi vẫn phải đảm bảo tất cả những yêu cầu về đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì thế, rất cần Nhà nước sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ làm căn cứ để các trường ra quyết định. Đồng thời, qua đó các cơ quan nhà nước và xã hội giám sát được việc thực hiện thu học phí của các trường.