Hội chứng ruột kích thích là một cái tên còn khá lạ đối với đa số mọi người, nhưng lại là một trong những bệnh đường ruột hay gặp nhất ở nước ta cũng như trên thế giới.
Biểu hiện của hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Để cùng tìm hiểu thêm về căn bệnh này, sau đây chúng tôi xin có cuộc phỏng vấn với giảng viên - BS. Trần Anh Tú - Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn.
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là gì và có biểu hiện thế nào?
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) hay còn gọi là rối loạn chức năng đại tràng, viêm đại tràng co thắt, bệnh đại tràng chức năng... là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tiêu hóa. Triệu chứng thường gặp nhất của HCRKT đó là những cơn đau bụng hành hạ bệnh nhân, xuất hiện bất cứ lúc nào.
Tỷ lệ nam:nữ ~ 2:1, độ tuổi hay gặp là từ 40 đến 60 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh theo thống kê được vào khoảng 5-20% dân số. Trên thực tế con số này cao hơn nhiều vì đa số người bệnh thường tự điều trị theo hướng trị liệu triệu chứng chứ không đi khám và điều trị căn nguyên.
Ở Việt Nam nghiên cứu khảo sát bệnh tiêu hóa tại khoa Khám bệnh bệnh viện Bạch Mai (2004), bệnh lý ống tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao nhất, trong nhóm bệnh lý đại trực tràng và hậu môn, HCRKT chiếm tới 83,38%.
HCRKT có các biểu hiện khá giống các bệnh khác của đại tràng nên việc chẩn đoán rất dễ nhầm lẫn nếu không cân nhắc kĩ và thực hiện đủ các bước khám xét cần thiết.
Các triệu chứng về tiêu hóa biểu hiện chính là đau bụng, bụng trướng hơi, rối loạn đai tiện cũng như rối loạn phân. Dựa vào hình thái của phân trên lâm sàng người ta chia HCRKT ra bốn thể chính, bao gồm: Tiêu chảy, Táo bón, Hỗn hợp và Không thay đổi thói quen đại tiện.
Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng được mô tả là các cảm giác khó chịu vùng bụng, bụng đầy hơi, không nhịn được khi có nhu cầu đại tiện, phải đi cầu ngay, phân nhỏ dẹt, thay đổi số lần đại tiện. Cần chú ý rằng trong HCRKT không bao giờ có máu trong phân, để phân biệt với những triệu chứng khác.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng ngoài tiêu hóa như: đau đầu, trống ngực, cảm giác tim đập nhanh, khó thở, lo lắng, mất ngủ… Các triệu chứng này xuất hiện phụ thuộc vào thời gian bị bệnh.
Các bác sĩ cần phải làm như thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lí này?
Mặc dù có những triệu chứng bệnh như trên nhưng bệnh nhân lại thường có kết quả bình thường khi được thăm khám, làm xét nghiệm cận lâm sàng.
Nội soi đại trực tràng: bình thường.
Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn: bình thường.
X-quang khung đại tràng cũng cho kết quả bình thường, đôi khi có thể có rối loạn co bóp nhu động.
Theo Bác sĩ Tú – Giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết: HCRKT là rối loạn chức năng nên không có một xét nghiệm nào có thể đưa đến kết luận bệnh nhân có bị HCRKT hay không. Bệnh nhân cần được làm nhiều xét nghiệm khác nhau nhằm loại trừ tất cả những nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng tương tự HCRKT (chẩn đoán loại trừ). Việc chỉ định xét nghiệm hoặc biện pháp thăm khám tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Bệnh sử, các triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán loại trừ là cần thiết để tránh nhầm lẫn HCRKT với các bệnh khác. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng như trên bạn cần đến các cơ sở y tế tin cậy để được chẩn đoán chính xác và tìm ra hướng điều trị hợp lý cho mình.
Lời khuyên gì dành cho người bệnh mắc HCRKT?
Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Ví dụ những thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi ( bánh ngọt nhiều bơ, các loại củ như khoai, sắn, hoa quả có nhiều đường: cam, quýt, soài, mít...). Hạn chế đồ uống có gas, các loại chất kích thích (cà phê, rượu, gia vị chua quá hoặc cay quá...). Những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có ỉa chảy nên tránh ăn quá chất xơ ( ví dụ như các loại rau: rau muống, rau cải, dưa...).
Chế độ luyện tập cũng rất cần thiết và phải kiên trì:
Luyện tập thói quen đại tiện 1 lần trong ngày, vào khung giờ cố định (ví dụ: phương pháp xoa bụng buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện). Ngoài ra có thể luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên.
Thuốc điều trị triệu chứng:
- Chống đau, giảm co thắt: Duspataline, No-spa, Spasfon...
- Chống táo bón: uống nhiều nước, ăn thức ăn nhiều chất xơ, thuốc nhuận tràng (Forlax, Tegaserod, Duphalac...)
- Chống ỉa chảy: Smecta, Actapulgite, Imodium....
- Chống sinh hơi: Meteospasmyl, pepsan, than hoạt...
- Thuốc an thần kinh: Rotunda, Seduxen, Dogmatyl...
Vâng, xin cảm ơn bác sĩ Trần Anh Tú – giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn - một trường uy tín hàng đầu chuyên đào tạo nhóm ngành Y Dược hệ chính quy đạt chuẩn của Bộ Y tế. Hi vọng bài phỏng vấn hôm nay đã giúp ích cho các bạn đọc.