Tai biến mạch máu não có thể nhận biết qua những dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu sơ cứu đúng cách, người bệnh có thể cải thiện những biến chứng và nguy cơ tử vong.
Dấu hiệu của người tai biến mạch máu não là gì?
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm khiến người bệnh tử vong rất nhanh, nếu không cũng sẽ để lại những di chứng hết sức nặng nề, thường gặp ở người huyết áp cao, tiểu đường.
Vào mùa đông, lượng bệnh nhân bị đột quỵ tăng 10-15% so với ngày thường. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều không được sơ cứu, sơ cứu không đúng cách trước khi đưa vào cấp cứu và nhập viện muộn khiến bệnh nhân nặng thêm. Nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến viện.
Để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh đột quỵ, chúng ta cùng đến với buổi thảo luận chuyên môn của các Bác sĩ, giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn.
Dựa vào những dấu hiệu nào để phát hiện người bệnh đang trong tình trạng đột quỵ, tai biến mạch máu não?
Theo bác sĩ Chu Hòa Sơn – Giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết một vài dấu hiệu giúp phát hiện người bệnh đang trong cơn đột quỵ mà những người thân xung quanh có thể phát hiện như sau:
Thứ nhất, người bệnh lâm vào tình trạng đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt. Nếu người bệnh có 3 dấu hiệu trên thì chiếm tới 90% là đột quỵ.
Cũng theo bác sĩ Chu Hòa Sơn, thời gian vàng đưa các bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế chuyên sâu là 4,5-6 giờ đầu. Khi đó các bác sĩ tại bệnh viện lớn sẽ dùng phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị, tránh di chứng.
"Tuy nhiên do không có có kiến thức, nhiều gia đình để bệnh nhân ở nhà cho dùng thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, sau đó nửa ngày hoặc vài ngày mới vào cấp cứu làm lỡ mất cơ hội tối ưu để điều trị", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Do đó việc phát hiện sớm những dấu hiệu của đột quỵ và có biện pháp sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ hồi phục, giảm tử vong.
Người nhà bệnh nhân nên làm gì khi người bệnh bị đột quỵ?
Các bước người thân bệnh nhân nên làm khi phát hiện người bệnh đột quỵ:
Bước 1: Lập tức gọi xe cấp cứu 115 chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ kịp thời cấp cứu cho người bị tai biến, giúp hạn chế những di chứng nặng nề của bệnh, đồng thời rút ngắn được thời gian phục hồi cho bệnh nhân.
Bước 2: Trong thời gian đợi xe cấp cứu đến thì việc cần phải làm là nhanh chóng đỡ bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm yên không được bế thốc bệnh nhân lên để đưa đi cấp cứu, mà phải từ từ nhẹ nhàng đặt bệnh nằm ngửa xuống, kê phần đầu của người bệnh hơi nâng cao và nghiêng sang một bên, giữ không khí thông thoáng, tránh ồn ào để bệnh nhân dễ thở hơn.
Bước 3: Kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân thật chặt chẽ, hỏi bệnh nhân để biết được mức độ tỉnh táo của người bệnh. Nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng nôn ói thì cần dùng khăn lau sạch các chất nôn, đàm nhớt trong miệng để bệnh nhân dễ thở, đảm bảo cho người bệnh luôn nhận được oxy nuôi dưỡng cơ thể, nuôi dưỡng não tốt nhất, tránh bị hiện tượng chết não. Nếu bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn, lơ mơ, bị đại tiện - tiểu tiện dầm đề thì đó có nghĩa là người bệnh đã bị mất ý thức.
Bước 4: Trong thời điểm đó nếu có điều kiện thì nên kiểm tra nhịp tim và huyết áp của người bệnh. Tuyệt đối không cho uống thuốc hay nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Vì khi đó chưa biết bệnh do thiếu máu não hay xuất huyết não gây ra mà vẫn cố hạ huyết áp quá sớm vô tình chúng ta đã làm hại bệnh nhân, lượng máu bị giảm đột ngột và triệu chứng càng xấu đi.
Bước 5: Khi xe cấp cứu đến, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để cấp cứu và điều trị bệnh kịp thời hiệu quả. Trong quá trình chuyển người bệnh đến viện nên tránh va đập, rung lắc mạnh.
Bệnh đột quỵ thường gặp ở những đối tượng nào?
Thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não VN, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong, khoảng 30% có thể bị liệt. Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ 3 sau tim mạch và ung thư và đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật.
Theo cô Đặng Thị Diệu – Giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn: Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên. Tuy nhiên, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, trong đó số lượng nam giới cao gấp nhiều lần nữ.
Theo thống kê của Hội Tim mạch VN, cứ 4 người trong độ tuổi 25-49 tuổi thì có 1 người tăng huyết áp - là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ ở người trẻ.
Thứ hai, nhiều người trẻ hiện nay có thể bị đột quỵ do xuất hiện những bất thường về mạch máu như bị dị dạng động tĩnh mạch, u thể hang, túi phình mạch não... Khi căng thẳng quá mức hoặc để kéo dài theo thời gian sẽ phình ra, gây đột quỵ.
Thưa bác sĩ: Bệnh đột quỵ nguy hiểm như vậy, vậy có cách nào để phòng ngừa căn bệnh này không ạ?
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, mọi người hãy từ bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường tập thể dục. Đặc biệt, những người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường cần phải lưu ý chỉ số cân nặng, huyết áp… thường xuyên để điều chỉnh cho phù hợp, khám sức khỏe định kỳ.
Khi ra ngoài trời lạnh, để tránh huyết áp tăng đột ngột cần giữ ấm cơ thể. Thường xuyên theo dõi sát huyết áp, nếu không được điều trị sẽ gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ và có thể dẫn tới đột tử.
Ngoài ra cần thay đổi lối sống, tránh mất ngủ, stress. Duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, đường, tránh thức ăn nhiều muối, ăn nhiều rau, củ, trái cây, vận động thường xuyên 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần/tuần).