Nạp quá nhiều đường vào cơ thể mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như béo phì dẫn đến rối loạn đường huyết, tim mạch và cả ung thư.
Không nên nạp quá nhiều đường vào cơ thể
Hiện nay, hạn chế tiêu thụ đường là một trong những mối quan tâm lớn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trong khuyến nghị này không tính đến các loại đường có trong thực phẩm tự nhiên, như trong sữa hay trái cây mà chỉ tính đến đường trong các loại thực phẩm bánh kẹo hay nước ngọt, trà sữa, trong các chế phẩm từ sữa dành cho trẻ em và các món ăn. Ngay cả nước ép trái cây tươi cũng không được khuyến khích dùng nhiều, vì đường lúc này đã chuyển hóa thành dạng dễ hấp thụ vào cơ thể.
Vậy tiêu thụ bao nhiêu đường mỗi ngày là hợp lý. Theo khuyến cáo của WHO, đường không nên chiếm quá 10% tổng năng lượng và tối ưu nhất không quá 5%. Điều này được hiểu là nếu một người trưởng thành có nhu cầu năng lượng trung bình 2.000kcal/ngày, thì 10% tương đương 200kcal, bằng khoảng 50gr đường. Tuy nhiên mức tốt nhất được khuyến nghị là 25gr đường/ngày, ứng với 5 muỗng cà phê đường dung nạp vào cơ thể.
Thực tế hiện nay chúng ta đang dung nạp một lượng đường quá dư thừa từ người lớn đến trẻ em. Trung bình một lon nước ngọt có tới 35gr đường, nên nếu uống 1 lon nước ngọt là đã dư 10gr đường nạp vào cơ thể cả ngày. Trong các bữa ăn hàng ngày khi chế biến các món thường sẽ có thêm gia vị đường. Ngoài ra, người Việt, nhất là trẻ em vẫn có thói quen uống sữa có đường, ăn bánh, kẹo, kem, chè… Thậm chí ngay khi pha nước trái cây như nước cam, chanh thì cũng cần sử dụng đến đường.
Các bệnh dễ mắc khi thừa đường
Khi dung nạp quá nhiều đường vào cơ thể sẽ dẫn đến sâu răng, đặc biệt ở trẻ em. Khi nạp đường làm nguyên liệu cho vi sinh trên răng ăn, ăn xong thải ra axit gây sâu răng. Ngoài sâu răng, các giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn còn cho biết nạp đường nhiều sẽ gây ra béo phì. Khi nạp đường quá nhiều vào cơ thể sẽ được chuyển qua mỡ để dự trữ gây béo phì. Đó cũng là lý do nhiều người than phiền vì sao không ăn nhiều chất béo nhưng vẫn béo phì. Với những người này để giảm cân phải tuyệt đối kiêng đường và tập luyện thể thao trước bữa ăn để năng lượng dự trữ từ mỡ được đốt cháy.
Từ béo phì sẽ dẫn đến rất nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe. Cụ thể khoảng 40% người béo phì có nguy cơ bị rối loạn đường huyết và dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Khoảng hơn 40% người béo phì sẽ dễ mắc bệnh tim mạch. Người thường xuyên ăn nhiều đường có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, động mạch vành cao hơn so với những người có chế độ ăn uống cân bằng.
Khoảng 10% người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư gan, đại trực tràng và ung thư vú. Điển hình như ung thư gan thường bắt nguồn từ bệnh gan nhiễm mỡ. Đường được chuyển hóa trong gan thành lipid, khi cơ thể dư thừa đồng nghĩa gan sẽ sản xuất lipid thừa, ảnh hưởng chức năng gan.
Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Xét nghiệm y học uy tín
Làm gì để giảm nạp đường
Thật khó để những người đang dung nạp nhiều đường mỗi ngày có thể ngay lập tức giảm sử dụng như khuyến cáo, mà cần có thời gian để giảm dần. Đối với trẻ em, đối tượng đang được rất nhiều tổ chức y tế quan tâm, sự thay đổi phải bắt nguồn từ người lớn như hạn chế cho sử dụng kẹo, bánh. Khi cho trẻ sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa cần chuyển qua loại ít đường, dần dần khi trẻ quen vị sẽ dùng loại không đường.
Đối với các bạn trẻ, nếu uống cà phê có thể dùng loại đường ăn kiêng, hay nếu nghiện nước ngọt có thể dùng loại nước ngọt diet. Hoặc tại nhiều tiệm trà sữa người mua có thể tự chọn lượng đường thay vì 100% có thể chọn 70% hoặc 50%. Tất nhiên những giải pháp này không phải tốt nhất vì ngay trong nước ngọt diet cũng có nhiều chất không tốt cho sức khỏe. Song dùng từng bước khẩu vị quen dần và thích nghi với lượng đường giảm đi, từ đó hạn chế dung nạp đường quá nhiều.
Nên ăn nhiều trái cây tươi và vận động đúng đủ, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước lọc… cũng chính là biện pháp hữu hiệu để có một cơ thể khỏe mạnh.