Chùm ngây được biết đến là loại thảo dược với những công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Để phát huy được tối đa công dụng của chùm ngây, cần sử dụng đúng cách.
Khoảng thời gian gần đây, chùm ngây được biết đến như là một loại cây – rau ăn giàu chất dinh dưỡng, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu về dược liệu chùm ngây được phát triển, đồng thời, các dạng thực phẩm chức năng có liên quan đến chùm ngây ngày càng nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu rõ về tác dụng của chùm ngây và đối tượng sử dụng phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất.
Tác dụng dược lý của chùm ngây
Theo bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, chùm ngây là một loại dược liệu được sử dụng từ lâu trong nền Y học dân tộc của một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng còn nhiều hạn chế.
Tác dụng giảm đường huyết: Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm là tăng đường huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc về cả hai. Tình trạng tăng đường huyết mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa như carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là tổn thương ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường là một trong những mục tiêu quan trọng. Do phải điều trị lâu dài nên việc sử dụng dạng thuốc thuận tiện trong cuộc sống sinh hoạt của người bệnh và ít tác dụng phụ là quan trọng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy sử dụng 7 – 8 gram bột lá chùm ngây giúp giảm mức đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường gồm đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn. Ngoài ra, chùm ngây còn có thể tác động đến hemoglobin A1C – HbA1C (một chỉ số quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị đái tháo đường) mà không ảnh hưởng đến bài tiết insulin.
Tác dụng giảm lipid máu: Bệnh nhân rối loạn lipid máu là tình trạng tăng nồng độ cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL-C và/hay giảm HDL-C so với các giá trị bình thường trong máu. Cùng với bệnh tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa mạn tính khá thường gặp, làm tăng quá trình xơ vữa động mạch, tổn thương các cơ quan như tim, não, thận. Nhiều nghiên cứu cho thấy bột lá chùm ngây giúp giảm cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL, VLDL, và tăng HDL. HDL là một loại cholesterol tốt. Việc làm giảm các cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt là một trong những mục tiêu điều trị cần đạt trong điều trị các bệnh lí liên quan đến xơ vữa động mạch.
Chùm ngây có tác dụng chống oxy hóa: Các gốc tự do là các chất được sinh ra bởi các tế bào khi cơ thể tiêu hóa thức ăn và phản ứng với môi trường, gây hại cho các tế bào và chức năng hoạt động của cơ thể. Các gốc tự do có liên quan nhiều đến bệnh tim, ung thư, viêm khớp, đột quỵ, bệnh hô hấp, suy giảm miễn dịch, khí phế thũng, bệnh Parkinson, và các tình trạng viêm hoặc thiếu máu cục bộ khác. Chất chống oxy hóa có thể giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể. Nhiều nghiên cứu trên phụ nữ mãn kinh cho biết sử dụng bột lá chùm ngây trong 3 tháng làm gia tăng đáng kể trong máu các chất có lợi như glutathione peroxidase (18,0%), superoxide dismutase (10,4%), và axit ascorbic (44,4%), và giảm malondialdehyde (16,3%). Đó là những chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe. Không những vậy, lá chùm ngây còn chứa nhiều dinh dưỡng hơn cả quả và hoa chùm ngây. Dược liệu chùm ngây chứa hàm lượng rất cao vitamin và khoáng chất: canci, sắt,…
Lưu ý gì khi sử dụng chùm ngây
Chuyện gia Cao đẳng Y Dược Sài Gòn lưu ý chùm ngây có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt các khoáng chất trong rau chùm ngây. Việc sử dụng lá chùm ngây không được vượt quá tối đa 70 gam mỗi ngày để ngăn ngừa độc tính tích lũy của các nguyên tố thiết yếu này trong thời gian dài. Trong dược liệu chùm ngây có alpha – sitosterol, có thể gây co cơ trơn tử cung và làm sẩy thai.
Chùm ngây là loại rau ăn hằng ngày giàu dinh dưỡng, nhiều lợi ích. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng, tránh những tác dụng có hại không mong muốn.