Tiểu buốt là tình trạng đau buốt, khó chịu trước, trong và sau khi đi tiểu. Vậy tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân nào, có liên quan đến bệnh lý hay không?
Nguyên nhân gây tiểu buốt ở nam giới là do đâu?
Theo bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, tiểu buốt là tình trạng đau buốt, khó chịu trước, trong và sau khi đi tiểu. Cơn đau có thể tập trung ở niệu đạo, bàng quang hoặc vùng đáy chậu. Tình trạng này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Nguyên nhân sinh lý:
Các tác động từ bên ngoài cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đau buốt khi đi tiểu. Cụ thể:
- Do dị ứng bao cao su, xà phòng tắm, nước xả vải, hóa chất
- Do thói quen mặc quần lót chật, ẩm ướt, không vệ sinh vùng kín sạch sẽ.
- Do chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều đồ cay nóng.
- Do lạm dụng quá mức các chất kích thích như rượu bia, cà phê, chất kích thích.
- Do thường xuyên thủ dâm hoặc quan hệ tình dục mạnh bạo
Nguyên nhân bệnh lý:
Tình trạng đi tiểu buốt ở nam giới cũng có thể là dấu hiệu của:
- Các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu do quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình.
- Các bệnh lý nam khóa như viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh nang, viêm bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt…
- Các bệnh lý về hệ bài tiết như viêm thận, bể thận cấp, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang…
Triệu chứng tiểu buốt ở nam giới là gì?
Có thể nói một trong những thắc mắc chung của nhiều người chính là chứng tiểu buốt của nam giới liên quan đến những bệnh lý gì? Nếu tình trạng tiểu buốt của bạn đi kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác thì rất có thể bạn đã mắc phải các bệnh lý sau đây:
1. Viêm niệu đạo
Dấu hiệu nhận biết:
- Tiểu gấp, tiểu nóng, đau khi tiểu và không giảm đi sau khi đã tiểu xong.
- Có cảm giác nước tiểu nóng rát, phải tiểu nhiều lần, có thể có chất dịch chảy ra từ niệu đạo vào buổi sáng làm tắc nghẽn các lỗ niệu đạo.
- Xuất hiện các mẩn đỏ xung quanh phần đầu của niệu đạo kèm theo cảm giác khó chịu toàn thân, đau lưng, bụng dưới tức trệ.
2. Viêm bàng quang
Dấu hiệu nhận biết:
- Các triệu chứng đau, sưng viêm ở bàng quang thường đến đột ngột, nặng nề ảnh hưởng nhanh chóng đến sức khỏe của người bệnh.
- Đang đi tiểu thì thấy đau buốt, tia nước đột ngột bị tắt, đau nhói sau khi gần tiểu xong.
- Tiểu rắt, tiểu nóng, khó tiểu, tiểu không hết, tiểu đêm, đi tiểu nhiều lần mà vẫn luôn có cảm giác đau âm ỉ vùng bụng dưới không rõ nguyên nhân.
- Nước tiểu đục, có mùi hôi, có thể lẫn máu nếu bàng quang bị tổn thương, xuất huyết.
3. Viêm bể thận
Dấu hiệu nhận biết:
- Tiểu đau, tiểu buốt, tiểu nhiều lần kèm theo đau nhói vùng hông, sốt cao…
- Tiểu chảy trong một vài ngày hoặc kéo dài, người run rẩy không kiểm soát được hay ớn lạnh.
- Buồn nôn, nôn mửa, có cảm giác như đang bị bệnh dạ dày, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung.
4. Viêm tuyến tiền liệt
Dấu hiệu nhận biết:
- Đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu gấp, đau khi đi tiểu kèm theo sốt.
- Khó tiểu hoặc cảm giác nóng rát mỗi khi tiểu, thường xuyên tiểu đêm, đau và khó chịu ở tinh hoàn, dương vật.
- Nếu chuyển sang mãn tính có thể xuất hiện những triệu chứng như đau ở bụng; lưng dưới, háng, tiểu có máu; đau ở vùng giữa trực tràng và bìu…
5. Phì đại tuyến tiền liệt
Dấu hiệu nhận biết:
- Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu són, tiểu không hết, tiểu tiện không tự chủ, vừa đi xong lại muốn đi tiếp.
- Bàng quang bị chèn ép, cơ quan sinh dục bị ảnh hưởng dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục, khó xuất tinh hoặc xuất tinh sớm.
6. Sỏi đường tiết niệu
Dấu hiệu nhận biết:
- Tiểu buốt, tiểu mủ, sốt cao, rét run nếu có viêm đài – bể thận.
- Đau dữ dội, mãnh liệt, cảm giác bị co thắt bên trong khi sỏi di chuyển. Vị trí đau là vùng hố sườn lưng 1 hoặc 2 bên, đau lan xuống dưới hoặc lan ra phía trước.
- Cơn đau có thể giảm đi nhưng những cơn đau mới nhanh chóng thay thế và dữ dội hơn.
- Có thể kèm theo buồn nôn, mạch nhanh, người đổ nhiều mồ hôi.
7. Bệnh lậu
Dấu hiệu nhận biết:
- Đặc trưng bởi chứng tiểu buốt, tiểu khó, tiểu đau, có thể bị chảy dịch mủ vàng hoặc xanh kèm theo mùi tanh hôi khó ngửi vào sáng sớm.
- Người mệt mỏi, tiểu rắt, tiểu ra mủ ở đầu bãi, có khi rát và nóng buốt khi đi tiểu khiến bệnh nhân phải tiểu từng giọt.
- Ngứa hậu môn, chảy máu trực tràng, đau ở khu vực xung quanh bìu và tinh hoàn kèm theo đau háng.
Phương pháp áp dụng để điều trị tiểu buốt ở nam giới
Tùy vào nguyên nhân, tình trạng và mức độ bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể:
Cách điều trị bằng thuốc
Khi gặp phải tình trạng này, nhiều người thường thắc mắc đi tiểu buốt ở nam giới uống thuốc gì. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu các loại thuốc có thể sử dụng, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám ở các bác sĩ chuyên nam khoa để xác định nguyên nhân gây bệnh. Phụ thuộc vào từng nguyên nhân mà có phương pháp điều trị tương ứng.
- Với tình trạng viêm nhiễm hoặc tiểu buốt do tổn thương có thể sử dụng kháng sinh để giảm đau, giảm sưng, kháng viêm.
- Với các bệnh về nam khoa và đường tiết niệu sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh và các thuốc đặc trị với trường hợp nhẹ.
- Với các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục sẽ được điều trị theo phác đồ cụ thể.
Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ về liều lượng, thường gian sử dụng thuốc để hạn chế các tác dụng phụ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, dùng thuốc quá liều hoặc bỏ dở thuốc giữa chừng không sử dụng khi có dấu hiệu thuyên giảm.
Cách điều trị bằng phẫu thuật
Được áp dụng khi tiến hành điều trị bằng thuốc mà vẫn không có chuyển biến tích cực. Chủ yếu áp dụng cho trường hợp tiểu buốt do sỏi như sỏi niệu đạo, sỏi thận, sỏi bàng quang. Đây không phải là phẫu thuật phức tạp, có thể điều trị chứng tiểu buốt do sỏi gây ra.
Cách điều trị bằng phương pháp dân gian
Có thể áp dụng các phương pháp dân gian dưới đây để cải thiện triệu chứng tiểu buốt do nguyên nhân vật lý gây ra. Bao gồm:
- Chữa tiểu buốt bằng bí xanh: Lấy bí xanh gọt sạch vỏ, rửa sạch, giữa vắt lấy nước, thêm chút muối cho dễ uống. Có thể luộc chín ăn hàng ngày để hỗ trợ điều trị.
- Chữa tiểu buốt bằng củ sắn dây: Lấy củ sắn dây rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sấy giòn, nghiền thành bột mịn để hòa với nước uống.
- Chữa tiểu buốt bằng mề gà: Lấy 20 cái da vàng trong mề gà rang cho cáy, tán mịn chia làm 4 lần để uống với nước sôi để nguội.
Cách điều trị tiểu buốt tại nhà
Với tình trạng tiểu buốt do nguyên nhân vật lý, người bệnh có thể cải thiện bằng cách:
- Tăng cường uống nước để làm loãng nước tiểu và hỗ trợ tốt cho quá trình hồi phục.
- Nên ăn nhiều thực phẩm tươi mát nhất là các loại rau củ quả tươi.
- Tăng cường sử dụng các loại nước có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể như nước ép rau má, canh lá mã đề…
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, mặc quần áo khô, thông thoáng, tránh sử dụng các dung dịch tẩy rửa mạnh để tránh dị ứng.
Trên đây là những thông tin về tình trạng tiểu buốt được các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp và chia sẻ đến bạn đọc.