Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tín nguy hiểm, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong khá cao, bởi vậy nắm rõ thông tin về bệnh là điều cực kì cần thiết
Trẻ em dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản
Hãy cùng các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu về bệnh viêm não Nhật Bản qua bài viết sau đây!
ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN CỦA BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN
Nguồn bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là các loài chim hoang dã và gia súc như lợn, ngựa. Bệnh lây từ nguồn bệnh cho người lành qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Muỗi Culex sinh sôi nhiều vào mùa hè, nhất là tháng 5 - 7.
TRIỆU CHỨNG CỤ THỂ CỦA BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN
Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản tùy thuộc vào thể bệnh và các giai đoạn diễn tiến bệnh.
Thể điển hình
Các triệu chứng bệnh qua giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát, thời kỳ lui bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể:
- Giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 5 - 14 ngày, trung bình là 1 tuần. Thời kỳ này bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng.
- Giai đoạn khởi phát: Bệnh bắt đầu đột ngột với triệu chứng sốt cao 39-40 °C, tiếp theo là đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Bệnh diễn tiến nặng nhanh trong 1-2 ngày đầu, xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ. Ở một số bệnh nhân đặc biệt là trẻ em, có thể có triệu chứng đi lỏng, đau bụng, nôn giống nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Giai đoạn này, virus vượt qua hàng rào máu - não gây phù não và các biểu hiện hội chứng màng não.
- Giai đoạn toàn phát: Sau 3-5 ngày, virus bắt đầu xâm nhập vào nhu mô não phá hủy các tế bào thần kinh, triệu chứng nổi bật là tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú. Các triệu chứng ngày càng nặng hơn, bệnh nhân có biểu hiện mê sảng kích thích, rối loạn ý thức, dần dần đi vào hôn mê. Đồng thời, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên. Bệnh nhân vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản, mạch nhanh, yếu, huyết áp tăng. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ, co quắp và có các cơn xoắn vặn cơ, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi. Một số bệnh nhân có triệu chứng khu trú gồm liệt chân, tay, tổn thương dây thần kinh sọ não, đặc biệt dây thần kinh vận nhãn và dây thần kinh mặt (VII). Giai đoạn này virus xâm nhập và gây hủy hoại các tế bào não. Thường bệnh nhân tử vong trong 7 ngày đầu, nếu vượt qua được giai đoạn này thì tiên lượng tốt hơn.
- Thời kỳ lui bệnh: Hình thành các biến chứng và di chứng. Thường sang tuần thứ 2 bệnh đỡ dần, hạ sốt dần và hết khoảng ngày thứ 10 của bệnh. Cùng với biểu hiện giảm sốt, các hội chứng não - màng não và rối loạn thần kinh thực vật cũng giảm dần và hết hẳn. Trong khi hội chứng nhiễm độc, hội chứng não - màng não giảm dần thì ngược lại, các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn. Một số bệnh nhân có thể có biểu hiện di chứng tâm thần, dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt tay chân hoặc các dây thần kinh sọ.
Thể không điển hình
Các thể không điểm hình của bệnh có những biểu hiện cụ thể như sau:
- Thể ẩn: Thường gặp sau các vụ dịch một số người không mắc bệnh nhưng vẫn có đáp ứng miễn dịch chiếm tỉ lệ rất cao (nhiều hơn gấp hàng trăm lần số người mắc bệnh).
- Thể cụt: Trường hợp này chỉ có hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc (với các biểu hiện sốt cao, xung huyết, đau đầu), không có triệu chứng của hội chứng não - màng não.
- Thể viêm màng não: Thường gặp ở trẻ lớn và thanh niên.
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo nhân lực Y Dược uy tín
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM NÃO NHẬT BẢN
Biện pháp điều trị
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm não Nhật Bản. Biện pháp chủ yếu là tập trung vào việc theo dõi áp lực màng não, bảo vệ đường thở và kiểm soát các cơn co giật.
Biện pháp phòng ngừa
Phương pháp tốt nhất là tiêm vaccin ngừa viêm não Nhật Bản nhất là với trẻ em. Hiện nay có 4 chủng vaccin ngừa Viêm Não Nhật Bản được sử dụng phổ biến. Liều lượng, thời gian tiêm ngừa tùy thuộc vào từng quốc gia và từng loại vaccin được dùng.
Ở Việt Nam, lịch tiêm chủng gồm 3 mũi: mũi đầu tiên cho trẻ hơn 1 tuổi, mũi thứ hai sau 1 - 2 tuần và mũi thứ ba 1 năm sau mũi thứ hai. Sau đó cần thực hiện tái chủng mỗi 3-4 năm một lần cho tới khi trẻ được 15 tuổi. Đối với người lớn, nếu chưa từng tiêm vaccin viêm não Nhật Bản cần tiêm đủ 3 mũi như ở trẻ em. Nếu đã tiêm đầy đủ cần tái chủng thêm 1 mũi.
Chưa có tài liệu nghiên cứu chứng minh thời gian hiệu quả của vaccin viêm não Nhật Bản kéo dài trong bao lâu. Vì vậy, đối với người từ 17 tuổi trở lên, nên thực hiện tiêm ngừa nếu đang ở trong vùng xảy ra dịch bệnh và chưa tiêm vaccin này trong vòng 1 năm.
Theo khuyến cáo từ bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, cần lưu ý các biện pháp diệt muỗi, chống muỗi và ngăn ngừa lây lan. Không để muỗi cắn, nhất là vào ban đêm. Người đang sinh sống hoặc đi du lịch đến khu vực có dịch nên mắc mùng khi đi ngủ và sử dụng các loại thuốc chống muỗi có chất diethyltoluamide và mặc quần áo dài tay khi ra ngoài.