Dị ứng thời tiết là hiện tượng xảy ra đối với cơ thể trong những ngày chuyển mùa hay thay đổi thời tiết đột ngột (từ nóng sang lạnh). Vậy những triệu chứng cảnh báo dự ứng thời tiết như thế nào?
Nổi mề đay, phát ban đỏ là những dấu hiệu của dị ứng thời tiết
Thường thì khi bị dị ứng thời tiết, bạn sẽ gặp phải những vấn đề như nổi mề đay, ngứa da, xuất hiện phát ban đỏ ở những vùng da hở như mặt mũi, chân tay, môi sưng phồng... Bệnh có 2 dạng là cấp tính và mãn tính. Với người bị dị ứng thời tiết cấp tính, bệnh sẽ kéo dài trong khoảng từ 24 giờ - dưới 6 tuần, biểu hiện lâm sàng là ngứa ngáy, khó chịu trên cơ thể. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mãn tính, gây nguy hiểm trực tiếp cho cơ thể với biểu hiện phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ, trường hợp xấu nhất còn dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết phần lớn thường xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ thấp. Bên cạnh đó, căn bệnh này cũng có thể xảy ra do di truyền, hay do cơ thể người bệnh bị nhiễm một số virus hoặc liên quan đến một vài bệnh lý khác.
Khi bị nhiễm lạnh, cơ thể sẽ sản sinh ra histamin và một số chất khác liên quan đến hệ miễn dịch, dẫn đến các triệu chứng được giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ dưới đây:
- Da nổi phát ban với các nốt mẩn đỏ, nhất là ở khu vực mặt, tay, chân.
- Làn da bị sưng đỏ kèm theo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Sưng môi khi tiếp xúc với đồ lạnh.
- Bị sổ mũi, hắt xì, ho khan, phù nề họng.
- Đau đầu, mệt mỏi suốt cả ngày.
- Đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy.
- Phù não cấp tính, khó thở cấp tính.
- Nhịp tim đập nhanh.
Dị ứng thời tiết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không cẩn thận. Với những người mắc bệnh dị ứng thời tiết ở giai đoạn nặng, nguy cơ cao có thể gặp phải tình trạng phù nề hầu họng, ảnh hưởng đến đường hô hấp, khó thở. Nếu cơ thể không được làm ấm ngay lúc đó, nhất là còn để bị ngấm nước mưa lạnh thì rất dễ ảnh hưởng đến cả tim mạch, não, dẫn đến tình trạng sốc và gây tử vong trong trường hợp xấu.
Chính vì vậy, khi thời tiết chuyển lạnh kèm theo mưa gió kéo dài thì bạn nên chú ý giữ ấm và bảo đảm cơ thể không bị ngấm mưa trong mùa này.
Tuyển sinh Cao đẳng Điều dưỡng tại Sài Gòn
Cách xử lý chứng dị ứng thời tiết và một số điều cần lưu ý khi mắc bệnh
Khi bị dị ứng thời tiết, việc làm đầu tiên là nhanh chóng làm ấm cơ thể, nếu người bệnh bị ướt mưa thì cần lau khô và thay quần áo ngay lập tức. Để giảm ngứa, nổi mẩn, mề đay, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamin như loratadine, fexofenadine, cetirizine… theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu dị ứng thời tiết xảy ra do các bệnh lý khác, bạn không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này ngay mà hãy đi khám để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không được gãi hay chà xát những nốt mẩn ngứa trên da (bởi có thể gây xước, bội nhiễm da, mưng mủ...).
- Chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian tái tạo các tế bào da.
- Hạn chế mặc quần áo làm bằng chất liệu dễ gây kích ứng da (vải jeans dày, bí, đồ bó sát).
- Không tắm nước quá nóng, chỉ nên tắm bằng nước ấm.
- Hạn chế sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa, bởi sẽ làm tình trạng ngứa gia tăng.
- Tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, các chất được lên men...