Xác định đúng yêu cầu và nắm vững phương pháp làm bài đối với từng dạng câu hỏi sẽ giúp các sĩ tử tối ưu hóa được điểm số môn Ngữ văn THPT quốc gia 2019.
Bí quyết làm bài thi môn ngữ văn đạt điểm cao
Nhận biết chính xác yêu cầu câu hỏi phần đọc hiểu
Đối với phần đọc hiểu, ngữ liệu trong phần này là các văn bản nằm ngoài sách giáo khoa, với bốn câu hỏi là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Ở câu hỏi số 1 (câu hỏi nhận biết) chủ yếu kiểm tra về khả năng nhận biết nội dung trong văn bản đọc hiểu. Do đó, thí sinh cần nhanh chóng xác định chính xác yêu cầu, trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, không cần dẫn giải dài dòng nếu đề không yêu cầu giải thích.
Câu hỏi số 2 và 3 thường kiểm tra khả năng đọc - hiểu thông điệp nội dung hoặc giá trị nghệ thuật của đơn vị ngôn từ nào đó trong ngữ liệu. Câu hỏi có thể xuất hiện dưới dạng: “Anh/chị hiểu câu nói trên là gì?” dựa trên một câu nói, câu hỏi nào đó trích từ ngữ liệu đọc hiểu, hoặc “Hãy chỉ ra và phân tích giá trị của phép tu từ trong câu văn sau”.
Tùy thuộc yêu cầu của đề, các em cần kết hợp khả năng tư duy suy luận với những hiểu biết, kinh nghiệm vốn có để trả lời ngắn gọn, chính xác theo yêu cầu của đề hoặc giải thích ngắn gọn nếu đề bài yêu cầu.
Hai câu hỏi về vận dụng và vận dụng cao xuất hiện trong câu hỏi 3 và 4, cuối phần đọc hiểu thường hướng tới yêu cầu tổng hợp, đánh giá toàn bộ ngữ liệu, rút ra thông điệp hoặc bài học cho bản thân.
Ví dụ, "Hãy chỉ ra thông điệp, tư tưởng trong đoạn trích trên ?", “Bài học lớn nhất mà anh chị rút ra từ đoạn trích là gì?”,... Với kiểu câu hỏi này, học sinh nên thể hiện những suy nghĩ chân thành, sâu sắc được rút ra từ nội dung tổng quát của toàn bộ ngữ liệu.
Không biến đoạn văn nghị luận xã hội thành bài văn thu nhỏ
Các giảng viên Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết, trong phần nghị luận xã hội, học sinh cần tuân thủ nghiêm quy định về hình thức và nội dung mà đề bài đã đưa ra. Do đó, học sinh cần lưu ý chỉ viết đoạn văn theo đúng dung lượng mà đề yêu cầu (khoảng 200 chữ), không chấm xuống dòng và chỉ nghị luận về một khía cạnh, vấn đề, nội dung của vấn đề, tuyệt đối không được viết đoạn văn theo kiểu một bài văn thu nhỏ.
Cuối cùng, ở câu hỏi nghị luận văn học, theo đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, đề thi sẽ được ra theo hướng nghị luận hai chi tiết trong một tác phẩm và tập trung chủ yếu ở lớp 12. Một điểm cần lưu ý khi làm dạng câu hỏi này là học sinh không được tách rời cũng như hòa lẫn hai chi tiết này mà phải luôn đặt nó đồng thời song song trong mạch phân tích.