Các bạn sinh viên mới chân ướt chân ráo lên nhập học chính là đối tượng mà kẻ lừa đảo nhắm vào nhiều nhất bởi sự ngây thơ, ít va chạm và ít dám phản kháng của họ.
Những tân sinh viên là đối tượng chính để các đối tượng thực hiện các chiêu lừa đảo
Thay đổi môi trường sống là một trong những điều ảnh hưởng nhất tới cuộc sống của một người, chưa kể rằng đa số các bạn sinh viên lên nhập học tại các thành phố lớn có cuộc sống khác xa so với cuộc sống bình dị thông thường tại quê nhà nên càng dễ bị lừa lọc.
Kẻ lừa đảo nhắm vào đối tượng sinh viên mới để lừa vì biết thứ nhất các bạn ấy cả tin, ít kinh nghiệm, dễ bị lừa. Thứ hai là tình cảnh “thân cô thế cô” dù có biết bị lừa cũng không thể làm gì khác được.
Chính vì những điều này mà bao nhiêu năm nay đã trở thành thông lệ, thời gian đầu năm học mới của các trường Đại học, Cao đẳng trở thành thời gian hoành hành của bọn gian thương, lừa đảo. Để tự bảo vệ mình và túi tiền quý giá của mình, các bạn sinh viên cần phải biết và cảnh giác những chiêu lừa đảo “quen thuộc” dưới đây:
Môi giới việc làm
Tâm lý chung của tất cả các bạn sinh viên là muốn tìm được công việc làm thêm để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ lo tiền ăn học. Tuy nhiên việc làm thì chắc chắn là không dễ kiếm đối với những bạn trẻ còn chưa có kinh nghiệm gì trong tay.
Nắm được tâm lý này nên các trung tâm môi giới việc làm mọc lên nhan nhản như nấm ở các khu vực xung quanh các trường đại học, cao đẳng. Không khó để bắt gặp những tờ rơi tuyển dụng việc làm thêm cho sinh viên được dán tràn lan và vứt bừa bãi tại các bến xe buýt hay cổng trường đại học.
Thông tin trong các tờ tuyển dụng nhìn chung đều hấp dẫn sinh viên với “lương cao, đi làm ngay, không đòi hỏi kinh nghiệm, không mất tiền đặt cọc, được đào tạo tại chỗ …”. Các cơ sở tuyển dụng thì phong phú đủ loại từ quán photocopy, phát tờ rơi, trung tâm gia sư cho tới nhà hàng, quán ăn, quán karaoke …
Thanh Vân – sinh viên năm hai Cao đẳng Dược, Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ: “Những mưu mẹo của bọn lừa đảo rất tinh vi và ẩn nấp dưới nhiều hình thức. Em cũng từng là nạn nhân của nhiều vụ lừa đảo, đúng là dở khóc dở cười. Do vậy, các em tân sinh viên cần đề phòng để không “sa chân” vào những trường hợp này”.
Mặc dù chiêu lừa đảo này đã được cảnh báo nhiều và lâu năm song mỗi dịp năm học mới đến nó vẫn là chiêu lừa hiệu quả thu hút được nhiều sinh viên nhất. Lần theo những địa chỉ trên tờ rơi để đăng ký việc làm, dù quảng cáo là không mất phí song mỗi sinh viên muốn đăng ký nhận việc đều phải đóng từ 200.000 – 500.000 đồng tiền thủ tục hoặc “thế chân”.
Sau khi đóng tiền thì luôn xảy ra tình trạng được gọi đi làm 1,2 ngày thì bị cho nghỉ vì lý do rất trời ơi đất hỡi hoặc tệ hơn nữa là các bạn ấy bị chèn ép, bị lợi dụng hoặc sàm sỡ ngay nơi làm việc để phải tự rút lui.
Mời mua đồ dùng nhân đạo
Tại các bến xe bus hoặc thậm chí là cổng trường luôn có vài đối tượng đóng giả tật nguyền hoặc người nghèo khổ rồi mời các bạn sinh viên mua ủng hộ các đồ dùng nhân đạo như tăm tre, bút máy, bông ngoáy tai … Vốn tính thương người nên nhiều bạn sinh viên đã tặc lưỡi ủng hộ với suy nghĩ chỉ mất vài ngàn đồng song thực tế lại khác hoàn toàn.
Thậm chí khi còn chưa quyết định mua bọn chúng đã hỏi tên và nhanh chóng ghi vào sổ. Lúc này bọn chúng vẫn ăn nói rất nhỏ nhẹ và muốn lấy tên để ghi nhận lòng hảo tâm và là bằng chứng để tổ chức nhân đạo giám sát, lấy danh sách.
Sau khi đã kí tên bọn chúng đưa tăm tre và ghi vào sổ mức giá trên trời, thường là 20.000 – 50.000 đồng và đôi khi là cả 100.000 đồng/ gói.
Biết là đã sập bẫy bọn lừa đảo, nhiều người gạt ra không trả tiền, định bỏ đi thì ngay lập tức thấy được bộ mặt xảo quyệt, thâm ác của bọn lừa đảo. Bọn chúng lên giọng quát tháo, đe doạ bắt trả tiền. Nếu ai cố tình không trả tiền thì chúng gọi đồng bọn ở xung quanh xúm lại vây đánh và chửi bới thậm tệ.
Nhờ chuyển hộ đồ để lợi dụng thôi miên lừa đảo
Tình trạng thôi miên để lừa tiền không còn là hình thức lừa đảo xa lạ nhưng cách thức mà bọn lừa đảo này thực hiện thì lại cực kỳ tinh vi và khác nhau.
Khi thấy người lại gần bạn bắt chuyện hỏi thăm địa chỉ đến một nơi nào đó và nhờ chuyển hộ gói đồ hay tờ hóa đơn rồi sau đó cho vài trăm thì đừng dại gì mà tin nhé. Khi bạn nghe theo lời bọn chúng, bọn này sẽ lợi dụng để thôi miên và lấy tiền, ví và các đồ đạc có giá trị khác của bạn.
Nhờ bấm hộ điện thoại
Lợi dụng lòng tin người của các bạn sinh viên, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu nhờ bấm hộ số điện thoại để gọi cho ai đó hoặc nhờ mở một chiếc iPhone cực xịn với lý do là không biết dùng.
Trong khi “con mồi” cắn câu, bọn này sẽ sử dụng thuốc mê để lấy tiền của nạn nhân hoặc để nạn nhân tự động đưa hết tiền và những thứ có giá trị cho chúng. Đến khi các bạn choàng tình thì chúng đã cao chạy xa bay rồi.
Nhiều tân sinh viên đã bị các đối tượng bán hàng đa cấp dụ dỗ lôi kéo
Lừa đảo bán hàng đa cấp
Hầu hết sinh viên mới đều ít nhất 1 lần va chạm với hình thức bán hàng đa cấp này. Với lời mời chào về mức thu nhập khủng, không vốn đầu tư ban đầu, thời gian linh hoạt, không đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn nên đa số các bạn sinh viên đều ham mê và dính vào con đường bán hàng đa cấp.
Các bạn tân sinh viên đừng để những lời dụ dỗ hấp dẫn cùng với vẻ bề ngoài choáng ngợp, long lanh của các công ty bán hàng đa cấp lừa đảo được bản thân mình.
Bán hàng đa cấp hoạt động theo nguyên lý: mỗi thành viên khi tham dự phải đóng khoản phí hoặc mua bộ sản phẩm sử dụng sau đó bạn mời được người khác vào bạn được hoa hồng của người đó cứ người cũ ăn hoa hồng người mới.
Hầu hết các hình thức này việc đầu tiên bạn phải bán hàng cho người thân quen và sau đó mới là người lạ nhưng những hình thức này thường làm mất đi tình người vì thực ra là sự lợi dụng lẫn nhau. Và khi hết khách hàng để mời chào thì bạn sẽ không lấy đâu ra được nguồn thu nhập nữa.
Bán hàng đa cấp là công việc đã từng bị cảnh báo nhiều lần về hậu quả và hệ lụy của nó, vì thế các bạn sinh viên hãy tránh xa con đường “bán hàng đa cấp” để tránh “tiền mất tật mang và tình cảm cũng rời xa nốt”.
“Cò nhà trọ” kiêm ăn cướp
Mùa tựu trường cũng là mua làm ăn của các đối tượng “cò” nhà trọ mà nhiều người là xe ôm. Họ sẽ lừa các tân sinh viên bằng cách nhiệt tình giới thiệu phòng trọ khi biết bạn đang có nhu cầu tìm chỗ ở.
Họ sẽ dẫn bạn đi vòng vèo các chốn rồi dẫn bạn tới một địa chỉ bất kỳ, nếu bạn không ưng ý địa chỉ này thì vẫn phải trả cho họ từ 100.000 – 200.000 đồng tiền phí “đưa đi”. Nếu bạn phản kháng lại hoặc có ý kiến sẽ lập tức bị đe dọa.
Lời khuyên cho các bạn sinh viên nếu có nhu cầu tìm nhà trọ hãy nhờ những người thân, người quen của mình liên hệ và tìm trước. Tuyệt đối không nên tin lời những người qua đường, xe ôm hoặc bán hàng rong.