Bệnh gai cột sống gây ra cảm giác đau ở vùng thắt lưng, vai hay cổ, thậm chí hạn chế vận động, ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân nào gây ra gai cột sống?
Gai cột sống có nguyên nhân bắt nguồn từ phần đĩa tròn từ sụn nằm giữa hai đốt sống
Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về bệnh gai cột sống qua bài viết sau đây từ các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn!
BỆNH GAI CỘT SỐNG
Nguyên nhân gây bệnh
Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, gai cột sống có nguyên nhân bắt nguồn từ phần đĩa tròn từ sụn nằm giữa hai đốt sống (bao xơ đĩa đệm). Khi đốt sống lưng hay cổ có xu hướng thoái hóa theo tuổi tác, các bao xơ đĩa đệm bị mất nước, nứt vỡ và xẹp đi khiến cho các khớp xương ma sát và bào mòn dẫn tới hư hại và viêm. Các khớp cột sống bị viêm làm cho các đĩa đệm ở giữa bị hư hại.
Sự tương tác qua lại này làm mất cấu trúc vững chắc của cột sống, vì vậy cột sống sẽ tự ổn định bằng cách mọc ra những nhánh xương hay gai xương bao quanh các khớp xương.
Ngoài ra, một số tai nạn, chấn thương, béo phì hay yếu tố di truyền do mang gen khiến đốt sống yếu hơn bình thường cũng là những nguyên nhân có thể dẫn tới gai cột sống.
Triệu chứng bệnh
Bệnh gai cột sống đa phần không có các triệu chứng thật sự rõ ràng. Tuy nhiên trong giai đoạn các gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, đặc biệt là rễ thần kinh sẽ xuất hiện cơn đau ở vai, thắt lưng hoặc tê tay ở bệnh nhân.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh gai cột sống bao gồm:
- Đau vùng cổ, thắt lưng đặc biệt khi đứng hoặc di chuyển, vị trí đau cho thấy phần cột sống có vấn đề liên quan, cơn đau tăng khi vận động và giảm khi được nghỉ ngơi.
- Mất cảm giác hoặc có bất thường ở phần cột sống liên quan.
- Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể đau tê ở cổ lan qua hai tay hoặc đau ở lưng dọc xuống hai chân.
- Cơ bắp tay chân có thể bị yếu đi.
- Cơ thể mất cân bằng.
- Khó kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện (thường gặp trong trường hợp rất nặng).
- Một số rối loạn thần kinh thực vật (các phản xạ tự động rối loạn, tăng tiết mồ hôi, suy giảm hô hấp hoặc biến chứng tăng huyết áp, …).
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gai cột sống thường bao gồm:
- Bệnh thường gặp ở nam giới.
- Người lớn tuổi, nguy cơ tăng dần theo độ tuổi do sự lão hóa của cột sống và sự lắng đọng calci.
- Người hay bốc vác nặng hoặc đi đứng, vận động, ngồi học, nằm ngủ sai tư thế dễ gây ra tổn thương cho cột sống và gây bệnh.
- Người có tiền sử tai nạn, chấn thương hoặc tổn thương ở sụn khớp, viêm cột sống mãn tính.
Ngoài ra, những đối tượng là người thừa cân, vận động mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích cũng có nguy cơ mắc bệnh gai cột sống khá cao
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo nhân lực ngành Y Dược chuyên nghiệp
BIỆN PHÁP CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH GAI CỘT SỐNG
Biện pháp chẩn đoán bệnh
Bệnh gai cột sống có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng đau vùng cổ, thắt lưng hoặc mất cảm giác, tê bì các phần cơ thể liên quan kết hợp các xét nghiệm để chẩn đoán xác định:
- Xét nghiệm điện học: mục đích đo tốc độ thần kinh gửi tín hiệu điện về não hay các bộ phận cơ thể như tay, chân, nhờ đó xác định mức độ chấn thương dây thần kinh cột sống và loại trừ các nguyên nhân khác.
- Chụp X-quang: xác định được vị trí, tình trạng và mức độ ảnh hưởng của vị trí bị tổn thương, mất sụn hoặc thoát vị đĩa đệm, mức độ thay đổi khớp và sự hình thành gai xương.
- Xét nghiệm máu: giúp chẩn đoán loại trừ đau cột sống do nguyên nhân khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): chủ yếu xác định đĩa sụn có tổn thương không và thần kinh cột sống có bị chèn ép không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): cho hình ảnh chi tiết sự thay đổi cấu trúc xương cột sống, mức độ chèn ép thần kinh.
Biện pháp điều trị bệnh
Điều trị bệnh gai cột sống có thể kết hợp phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu cùng với tập thể dục thường xuyên.
Các biện pháp không xâm lấn có thể áp dụng như mát-xa, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, tập phục hồi chức năng cũng cho thấy có hiệu quả tích cực.
Có thể sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm non-steroid hoặc corticoid, vitamin, thuốc giãn cơ để điều trị triệu chứng hoặc dùng các dụng cụ nâng đỡ như để giảm bớt gánh nặng cho các đốt sống bị tồn thương.
Phẫu thuật được chỉ định khi bị chèn ép vào tủy làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép thần kinh gây ra tê tay, chân, rối loạn đại tiểu tiện. Tuy nhiên, phẫu thuật không đảm bảo các gai xương không tái phát vì đây là đáp ứng viêm tự nhiên của cơ thể. Do đó, bệnh nhân cần phải tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ để phát hiện và xử trí diễn tiến xấu kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh gai cột sống một cách hiệu quả nhất, theo lời khuyên từ bác sĩ giảng viên hiện đang giảng dạy lớp Văn bằng 2 Cao đẳng Dược Sài Gòn, các bạn cần:
- Xây dựng chế độ đầy đủ dinh dưỡng, nhất là calci và vitamin D, hạn chế các thức ăn gây tăng cân, béo phì như mỡ động vật, tăng cường ăn rau quả.
- Không hút thuốc hay sử dụng chất kích thích.
- Tránh các tổn thương cột sống (như sai tư thế ngồi, nằm, đi xe, …).
- Không nên chơi những môn thể thao quá sức như cử tạ, thể dục dụng cụ, vận động quá khó, …
- Tránh ngồi quá lâu ở những tư thế không đúng.
- Hạn chế làm việc nặng.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về nguyên nhân cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh gai cột sống mà các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đã chia sẻ chi tiết đến bạn đọc!