Rắc bột kháng sinh lên các vết thương hở như bỏng, rách da, vết thương nhiễm trùng,... là cách xử trí khá phổ biến trong cộng đồng. Tuy nhiên việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Nguy hiểm khi rắc thuốc kháng sinh lên vết thương hở
Thuốc sử dụng để rắc lên vết thương hay gặp nhất là viên chống lao màu đỏ Rifampicin, kế tới là một số kháng sinh khác như Clocid (Chloramphenicol)...Mọi người nghĩ rằng làm như vậy sẽ phát huy tốt tác dụng phòng chống nhiễm khuẩn tốt bởi vì thuốc được đưa trực tiếp tới vết thương. Tuy nhiên trong thực tế, việc rắc bột kháng sinh lên vết thương hở là lợi bất cập hại, không những không có ý nghĩa điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Dưới đây là những trường hợp gặp phải khi rắc thuốc kháng sinh lên vết thương hở mà các bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ
Rắc bột kháng sinh lên vết thương hở dễ gây dị ứng, sốc phản vệ
Rắc bột kháng sinh trực tiếp vào vết thương hở làm kích thích da, kích thích các phản ứng viêm tại chỗ nên dễ gây dị ứng và sốc phản vệ. Dị ứng kháng sinh thường nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nhanh chóng.
Không có tác dụng phòng, chống nhiễm khuẩn
Sau khi rắc một vài giờ, bột thuốc kháng sinh sẽ khô lại, nồng độ kháng sinh thấm vào các mô bị tổn thương là không đáng kể và không có ý nghĩa phòng, chống nhiễm khuẩn. Nhiều trường hợp sau vài ngày rắc bột kháng sinh liền bị sưng tấy, gây sốt. Sau khi lột lớp bột kháng sinh đã khô ở bên ngoài ra thì bên trong toàn mủ và mô hoại tử.
Làm vết thương lâu khỏi, chậm lên da non
Bột kháng sinh sau khi rắc sẽ làm thành lớp vỏ khô bao phủ bên ngoài, tạo thành hàng rào vật lý cản trở sự thâm nhập của các yếu tố bảo vệ cơ thể đi tới vết thương. Máu, kháng thể, bạch cầu, kháng sinh đường uống,...bị cản trở nên khả năng bảo vệ cơ thể khỏi viêm, nhiễm trùng bị hạn chế. Do đó vết thương sẽ chậm lành, thậm chí diễn biến nặng hơn.
Bên cạnh đó bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn còn cho biết thêm lớp vỏ bột kháng sinh còn hạn chế sự lên mô hạt và kéo da non tại vị trí tổn thương. Do đó việc rắc bột kháng sinh lên vết thương hở còn làm vết thương chậm lên da non.
Trên đây là 3 nguy cơ chính khi rắc bột kháng sinh lên vết thương hở. Như vậy, việc rắc bột kháng sinh lên vết thương hở không có ý nghĩa điều trị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm. Đã có những trường hợp vết thương hở tiến triển gây nhiễm trùng máu vì chỉ rắc kháng sinh mà không áp dụng biện pháp điều trị nào khác. Rất tiếc là mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ giới chuyên môn, hiện nay tình trạng tự ý mua thuốc kháng sinh về rắc lên vết thương hở còn khá phổ biến.