Viêm mao mạch dị ứng là tình trạng tự dị ứng, gây ra các triệu chứng tổn thương lan tỏa theo hệ thống mao mạch ở da, ruột, thận và xương khớp. Việc phát hiện và điều trị bệnh từ sớm là cực kì quan trọng
Bệnh viêm mao mạch dị ứng
Cùng các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm mao mạch dị ứng qua bài viết sau đây!
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM MAO MẠCH DỊ ỨNG
Viêm mao mạch dị ứng hay còn gọi là hội chứng viêm mạch Schonlein – Henoch, ban xuất huyết dạng thấp và ban xuất huyết dạng phản vệ. Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng tự dị ứng, gây ra các triệu chứng tổn thương lan tỏa theo hệ thống mao mạch ở da, ruột, thận và xương khớp.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở trẻ từ 2 – 16 tuổi và thường bùng phát mạnh vào mùa đông – xuân.
Hiện nay nguyên nhân gây ra bệnh viêm mao mạch dị ứng vẫn chưa biết rõ. Tuy nhiên bệnh lý này thường khởi phát sau khi đường hô hấp bị nhiễm trùng.
Bên cạnh đó xét nghiệm cho thấy hầu hết bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng đều có sự hiện diện của liên cầu khuẩn, adenovirus, nấm, tụ cầu khuẩn và trực khuẩn lao. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng, nhiễm trùng đường hô hấp chính là nguyên nhân kích thích các triệu chứng của bệnh lý này phát sinh.
TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA BỆNH VIÊM MAO MẠCH DỊ ỨNG
Bác sĩ giảng viên lớp Văn bằng 2 Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết tổn thương do hội chứng viêm mạch Schonlein – Henoch mang tính hệ thống. Vì vậy các triệu chứng của bệnh có thể xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau.
Triệu chứng ban đầu:
- Rối loạn tiêu hóa
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ
Tổn thương trên da (xảy ra ở hầu hết bệnh nhân):
- Xuất huyết da ở quanh mắt cá chân, mông, mặt duỗi tứ chi. Ít gặp hơn ở mũi, tai, thân và bộ phận sinh dục.
- Tổn thương da thường có dạng nốt, chấm và có màu đỏ đậm.
- Vùng da tổn thương không ngứa và có gờ cao hơn bề mặt da.
- Có thể đi kèm với triệu chứng ban hoại tử, bầm máu, nổi mề đay và xuất hiện bọng nước.
- Một số trường hợp có thể bị phù da ở hố mắt, mu bàn tay và bàn chân, da đầu,…
Tổn thương ở khớp (gặp ở 75% bệnh nhân mắc hội chứng viêm mạch Schonlein – Henoch)
- Đau khớp
- Giảm khả năng vận động
- Khớp có thể bị phù xung quanh
- Tổn thương khớp thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và cổ chân.
Viêm mao mạch dị ứng không gây biến dạng khớp như viêm khớp thông thường. Tuy nhiên bệnh có thể gây tổn thương cơ hoặc hoại tử nếu không được kiểm soát kịp thời.
Tổn thương ở đường tiêu hóa (gặp ở 37 – 66% bệnh nhân)
- Viêm tụy cấp
- Tắc ruột
- Giãn đại tràng
- Thủng đại tràng
- Lồng ruột cấp
- Xuất huyết tiêu hóa (biểu hiện: đau bụng dữ dội, phân có màu, phân đen, nôn ra máu,…)
- Buồn nôn, nôn mửa kéo dài
- Đau thượng vị dữ dội
Tổn thương ở thận (gặp ở 25 – 50% bệnh nhân mắc hội chứng viêm mạch Schonlein – Henoch)
- Đại máu đại thể hoặc vi thể
- Protein niệu kéo dài
- Hội chứng thận hư không đơn thuần (tăng huyết áp và suy giảm chức năng thận)
- Hội chứng viêm cầu thận tiến triển nhanh (tiểu ra máu, protein niệu tăng,…)
- Suy thận mạn
- Hội chứng viêm thận cấp
Tổn thương ở một số cơ quan hiếm gặp hơn:
- Viêm tinh hoàn: Đau và sưng nhẹ nhưng thường thuyên giảm sau khoảng vài ngày.
- Phổi: Có dấu hiệu xuất huyết và tràn dịch màng phổi tơ huyết.
- Mắt: Xuất huyết đáy mắt và viêm mạch võng mạc.
- Tim: Nhồi máu cơ tim trên động mạch vành, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim.
- Thần kinh trung ương: Rối loạn hành vi, chảy máu màng não, hôn mê, co giật, rối loạn hành vi,…
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Điều dưỡng viên chuyên nghiệp
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐƯỢC ÁP DỤNG ĐỂ ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM MAO MẠCH DỊ ỨNG
Nghỉ ngơi
Trong giai đoạn cấp của bệnh, cần nghỉ ngơi từ 1 – 2 tháng để các triệu chứng thuyên giảm dần.
Bên cạnh đó nên thay đổi chế độ dinh dưỡng với những bệnh nhân có tổn thương cơ quan tiêu hóa. Trong trường hợp này, nên hạn chế chất xơ, bổ sung các thức ăn lỏng, mềm và chia thành nhiều bữa nhỏ để tránh gây áp lực lên đại tràng.
Dùng thuốc
- Corticoid: Corticoid thường được sử dụng ngắn ngày trong điều trị viêm mao mạch dị ứng để ức chế các hoạt động miễn dịch của cơ thể. Loại thuốc này có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với các loại thuốc ức chế miễn dịch khác. Sau khoảng 3 ngày dùng thuốc, các triệu chứng lâm sàng và vi thể đều có dấu hiệu thuyên giảm.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Thuốc giảm đau, chống viêm (Paracetamol và NSAIDs) được sử dụng để cải thiện triệu chứng sốt, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi,… Trong trường hợp cơn đau nhẹ, bệnh nhân sẽ được sử dụng chế phẩm chứa Paracetamol. Chỉ khi cơn đau không có đáp ứng, NSAIDs mới được chỉ định. Với những bệnh nhân có tổn thương đường tiêu hóa, tuyệt đối không sử dụng NSAIDs. Vì loại thuốc này có thể gây kích ứng cơ quan tiêu hóa và làm nghiêm trọng tình trạng xuất huyết dạ dày.
- Thuốc ức chế miễn dịch (Azathioprin, Cyclosphamid): Thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng trong trường hợp tổn thương thận nghiêm trọng. Trong trường hợp cần thiết, có thể dùng phối hợp với corticoid.
- Kháng sinh: Nhóm kháng sinh penicillin (Amoxicillin, Oxacillin, Ampicillin) có thể được sử dụng trong trường hợp viêm mao mạch dị ứng có đi kèm với tình trạng nhiễm khuẩn liên cầu ở thận.
Ghép thận
Trong trường hợp tổn thương thận tiến triển thành suy thận mãn tính, bác sĩ có thể xem xét và tiến hành ghép thận cho những bệnh nhân này.
Theo bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý hiếm gặp và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để tránh kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát, bạn cần hạn chế tối đa các tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp.