Sỏi niệu quản là dạng sỏi tiết niệu có mức độ nghiêm trọng và dễ gây ra các biến chứng nặng nề. Bởi vậy, sớm phát hiện bệnh cũng như đưa ra liệu trình điều trị hợp lý là cực kỳ quan trọng
Bệnh sỏi niệu quản
SỎI NIỆU QUẢN LÀ BỆNH GÌ?
Niệu quản là bộ phận của cơ quan bài tiết. Niệu quản có hình ống dài và đường kính hẹp, nối giữa thận và bàng quang. Bộ phận này đảm nhiệm vai trò vận chuyển nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
Sỏi niệu quản là một dạng sỏi đường tiết niệu ít gặp nhưng có mức độ nghiêm trọng nhất. Bệnh xảy ra khi khoáng chất tích tụ bên trong thận rơi xuống niệu quản và gây cản trở quá trình dẫn lưu nước tiểu. Tuy nhiên, ở một số trường hợp có điều kiện sức khỏe đặc biệt như túi thừa, u và hẹp niệu quản, sỏi có thể hình thành ngay tại cơ quan này.
Do có đường kính hẹp nên sỏi ở niệu quản có nguy cơ làm tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu, gây ra chứng bí tiểu cấp và các biến chứng nguy hiểm khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, sỏi niệu quản có thể xảy ra do những nguyên nhân sau đây:
- Sỏi thận: Phần lớn các trường hợp sỏi niệu quản đều do bệnh sỏi thận gây ra. Khi nước tiểu đưuọc dẫn từ thận xuống bàng quang, một số sỏi có thể di chuyển xuống và mắc kẹt ở bên trong niệu quản.
- Cấu trúc niệu quản bất thường: Phì đại niệu quản, túi thừa niệu quản,… là một trong những điều kiện khiến nước tiểu ứ đọng bên trong cơ quan này và tăng nguy cơ kết tinh sỏi.
- Chế độ ăn nhiều canxi: Bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến canxi lắng đọng bên trong thận và kết tinh với các khoáng chất khác tạo ra sỏi.
- Biến chứng do một số bệnh lý khác: Lao, tuyến giáp, tiểu đường, bệnh gout,… có thể khiến sỏi hình thành ở thận và di chuyển xuống niệu quản.
- Dư thừa vitamin C: Vitamin C là thành phần cần thiết cho hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên bổ sung quá nhiều loại vitamin này có thể làm tăng oxalate bên trong thận, dẫn đến tình trạng lắng đọng khoáng chất và gây ra hiện tượng kết tinh.
Triệu chứng thường gặp
Sự xuất hiện của sỏi ở niệu quản có thể làm gián đoạn quá trình dẫn lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang và gây ra các triệu chứng lâm sàng như:
- Đau cấp tính: Cơn đau quặn thận là triệu chứng điển hình của bệnh sỏi niệu quản. Vị trí đau thường xảy ra ở vùng thắt lưng sau đó lan xuống vùng bẹn sinh dục. Cơn đau có xu hướng xuất hiện đột ngột sau khi vận động nặng.
- Tiểu ra máu: Sỏi có thể ma sát với thành niệu quản và gây xuất huyết. Vì vậy bệnh nhân sỏi niệu quản có thể tiểu ra máu (nước tiểu thường có màu hồng hoặc đỏ).
- Tiểu ra mủ: Triệu chứng này thường xảy ra ở người bị sỏi ở cả niệu quản và thận.
- Tiểu buốt, sốt và tiểu rắt: Xảy ra khi sỏi niệu quản gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo nhân lực ngành Y Dược chuyên nghiệp
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ÁP DỤNG ĐỂ ĐIỀU TRỊ BỆNH SỎI NIỆU QUẢN
Điều trị sỏi niệu quản phụ thuộc vào kích thước, vị trí sỏi, khả năng đáp ứng và một số yếu tố đi kèm (nhiễm trùng, hẹp niệu quản, túi thừa niệu quản,…).
Điều trị bảo tồn
Với những trường hợp sỏi có kích thước nhỏ, chưa gây ra biến chứng nghiêm trọng và sỏi nằm ở vị trí thấp (gần bàng quang), bác sĩ thường chỉ định điều trị bảo tồn.
Các phương pháp điều trị bảo tồn sỏi niệu quản, bao gồm:
- Thuốc chống viêm
- Thuốc lợi niệu
- Thuốc chống co thắt
- Thuốc kiềm hóa nước tiểu (trong trường hợp sỏi không cản quang)
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc Đông Y có tác dụng tán sỏi, lợi tiểu tiện và bổ thận để thu nhỏ kích thước sỏi nhằm đẩy sỏi xuống bàng quang và niệu đạo.
Theo Thầy thuốc Y học cổ truyền Sài Gòn, một số bài thuốc bạn có thể áp dụng, bao gồm:
- Bài thuốc 1: Dùng hoạt thạch, biển súc, sơn chi tử, mộc thông, cù mạch, xa tiền tử mỗi vị 12g, cam thảo 6g và đại hoàng 8g. Đem rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ và sắc với 1 bát nước còn lại 2 bát. Thêm nước vào và sắc lấy 1 bát rưỡi, trộn đều nước sắc và chia thành 3 lần uống/ ngày. Áp dụng bài thuốc liên tục trong 2 – 3 tháng.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị cam thảo đất và vỏ núc nác mỗi vị 16g, ý dĩ nhân, quả dành dànhvà lá mã đề mỗi vị 20g, tỳ giải và kim tiền thảo mỗi vị 30g, xương bồ 8g và quế chi 4g. Sắc uống như trên.
- Bài thuốc 3: Dùng thạch vĩ 12g, thổ phục linh, liên nhục mỗi vị 20g, tơ hồng (sao vàng), tỳ giải và hoài sơn (sao vàng) mỗi vị 30g, quy bản 10g, mã đề 16g. Sắc uống như trên.
Can thiệp ngoại khoa
Với những sỏi có kích thước lớn, gây đau đớn và nhiễm trùng tiết niệu hoặc đã gây ra biến chứng (giãn niệu quản, giãn đài bể thận,…), cần tiến hành các biện pháp ngoại khoa nhằm loại bỏ sỏi trong thời gian sớm nhất.
Tùy vào vị trí và kích thước sỏi mà bác sĩ có thể chỉ định một trong những thủ thuật ngoại khoa sau:
- Tán sỏi qua da
- Tán sỏi bằng phương pháp nội soi niệu quản
- Mổ/ Phẫu thuật lấy sỏi
So với kỹ thuật tán sỏi, mổ lấy sỏi niệu quản thường khó thực hiện và dễ gây biến chứng. Vì vậy phương pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện để dự phòng các tình huống đáng tiếc.