Tình trạng thí sinh không mặn mà theo học xảy ra tại một số ngành học đặc thù vất vả và các trường đại học đơn ngành mặc dù các doanh nghiệp đi cùng có cam kết việc làm sau tốt nghiệp
Nhiều ngành có các doanh nghiệp cam kết việc làm sau tốt nghiệp nhưng vẫn không tuyển được thí sinh
Trong buổi khai giảng, ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp không khỏi trăn trở về câu chuyện tuyển sinh của trường nói riêng cũng như các trường đại học đơn ngành nói chung với cách thức vận hành xét tuyển như hiện nay.
Bởi thực tế hiện nay đa số điểm trúng tuyển đầu vào của những ngành học này khá thấp. Trong khi đó, chương trình giảng dạy hoặc yêu cầu về mặt chuyên môn, kỹ thuật lại đòi hỏi phải có những học viên chất lượng. Đây cũng là một trong những thách thức trong lộ trình tự chủ của các trường đại học.
Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cập nhật chia sẻ từ ông Chứ cho hay: “Với cách tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi như hiện nay thì các trường mang tính chất đơn ngành, đặc biệt là các trường kỹ thuật vô cùng khó khăn trong vấn đề tuyển sinh. Đặc biệt là việc có thể lấy được các thí sinh có chất lượng. Trong khi đó, chương trình đào tạo của thế giới cũng như trong nước đối với các trường đơn ngành và các trường kỹ thuật thực tế lại càng đòi hỏi có những sinh viên có chất lượng cao. Do đó phải nói thẳng ra là vô cùng khó khăn”.
Ông Chứ cho hay, tất nhiên không vì thế mà nhà trường buông xuôi, ỷ lại mà phải thay đổi chương trình đào tạo sao cho phù hợp với định hướng của xã hội theo hướng “Xã hội cần gì chúng tôi đào tạo cái đó”.
Tuy nhiên, theo ông Chứ để có những thế hệ kế cận chất lượng cho những ngành này thì cần thiết phải có chính sách của Nhà nước để đào tạo nguồn nhân tài.
Theo ông Chứ, mặc dù Bộ GD-ĐT cho các trường đại học cơ chế tự chủ, việc tuyển sinh theo cách thức chung hiện nay khó khăn, nhưng nếu tuyển sinh theo phương thức riêng thì cũng vô cùng khó khăn với Trường ĐH Lâm nghiệp.
“Bởi như chúng ta biết thí sinh giờ cũng không thích vào các ngành đơn ngành, những ngành vất vả, không hot,… Trên thực tế số lượng sinh viên của trường tốt nghiệp không đáp ứng đủ được số lượng nhu cầu từ các doanh nghiệp, bởi số thí sinh vào ít trong khi xã hội rất cần. Nhưng xu hướng thí sinh lại không thích vào những ngành mang tính chất đơn ngành hoặc đặc thù vất vả như lâm nghiệp, mỏ- địa chất, giao thông,… mà chủ yếu đi theo những ngành xu thế của xã hội như quản trị dịch vụ du lịch, lữ hành,…”.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2019
Ông Chứ không ngại chia sẻ việc nhà trường cũng từng thử nhiều cách để tăng khả năng tuyển sinh nhưng kết quả không mấy hiệu quả. “Như trong quá trình đi tuyển sinh, chúng tôi còn mời cả doanh nghiệp đi cùng. Thậm chí khi đi, doanh nghiệp người ta còn phải cam kết là nhận ngay sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Ví dụ với ngành truyền thống của trường là Lâm nghiệp, chúng tôi mời cả Tổng Công ty Nông nghiệp Việt Nam và cả các doanh nghiệp quốc tế đi tuyển sinh cùng và cam kết khi vào học ngành này sinh viên sẽ được học bổng hoặc có những ngành giảm hẳn 1 nửa học phí, nhưng thí sinh cũng không vào. Do đó nếu tuyển sinh theo cách riêng chắc chắn cũng sẽ khó khăn”.
Ông Chứ cho rằng việc này do xã hội cũng như các thí sinh chưa nhận thức đúng về triển vọng cũng như khả năng phát triển của những ngành học này. Ông Chứ nêu dẫn chứng về việc giới trẻ hiện nay chạy theo những ngành nghề mang tính thời thượng, có thu nhập rõ ràng trước mắt: “Trong một lần xuống Hà Nội, tôi có đi thử một cuốc xe máy Grab và vô tình bắt gặp một cậu lái xe tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương. Em kể tốt nghiệp bằng Khá. Tôi hỏi sao lại đi chạy xe như thế này, thì cậu nói em đã đi làm ở nhiều vị trí, ở nhiều công ty và thấy rằng chạy Grab có công ăn việc làm và thu nhập ổn định nhất”.
Tuy nhiên, ông Chứ cho rằng nước ta đang trong giai đoạn phát triển, do đó chắc chắn sẽ xảy ra một số vấn đề cục bộ ở một số ngành nghề. Tuy nhiên, khi xã hội ngày một phát triển, những nghề đơn thuần kiểu “ăn xổi” như thế khó đảm bảo cuộc sống lâu dài cho bản thân người trẻ trong thời gian dài.
“Tôi khẳng định 5 năm nữa sẽ khác hẳn so với bây giờ và chúng ta sẽ dần vào ổn định như các nước phát triển. Đối với những nước phát triển thì các ngành mang tính chất đặc thù như nông – lâm nghiệp, mang tính chất kỹ thuật,... khi được phát triển theo hướng công nghiệp thì sẽ phát triển. Các bạn trẻ cần nhìn nhận đúng đắn đường hướng của nhà nước để lựa chọn cho mình những hướng đi, còn nếu chỉ chạy đua theo những cái trước mắt thì khó có thể ổn định lâu dài. Bây giờ có thể làm được 7-8 triệu mỗi tháng nhưng về lâu dài thì rõ ràng không được, chưa kể đến vị thế của bản thân trong xã hội”, ông Chứ nói.