Quả la hán là loại cây dây leo, được trồng để lấy quả, không những được dùng làm nước uống giải khát thanh nhiệt cơ thể mà còn là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền.
La hán không chỉ đun lấy nước uống mà còn là vị thuốc trong Đông y
Quả la hán có tên khoa học là Siraitia grosvenori, thuộc họ bầu bí, còn có tên gọi khác là giả khổ qua, quang quả mộc miết… Quả có hình bầu cầu, đường kính khoảng 5 - 7cm. Quả tươi có màu xanh lục, khô chuyển sang màu nâu.
Hiện nay, quả la hán thường được dùng để pha trà hoặc dùng nấu nước uống hằng ngày. Nghiên cứu gần đây cho thấy: Quả la hán chứa đường fructose và glucose, protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng như Mn, Fe, Zn, I-ốt… có tác dụng chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, chống lão hóa.
Bác sĩ Y học cổ truyền Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết: Thịt quả la hán có vị ngọt, tính mát, không độc, thường được dùng để chữa ho phế nhiệt và ho do đờm hỏa (đờm vàng đặc, khó khạc), viêm hầu họng, viên phế quản cấp, khản tiếng, cổ họng khô khát, đại tiện táo… Ngoài ra, nước sắc quả la hán còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm lipid máu, chống dị ứng, làm chất tạo vị ngọt có ích cho người bị đái tháo đường…
Để chế biến quả la hán thành nước giải khát cần chọn từ 1 - 2 quả la hán, rửa kỹ vỏ ngoài đến khi sạch phần lông, tách trái la hán ra 2 - 4 phần, cho vào bình sau đó rót từ 1-1,5 lít nước sôi, đợi khoảng 5 - 10 phút và thưởng thức.
Đào tạo Y học cổ truyền ngoài giờ hành chính
Một vài bài thuốc chữa viêm họng, viêm thanh quản, chữa ho gà, chữa táo bón từ quả la hán:
- Chữa viêm họng: Quả la hán hãm với nước sôi, uống thay nước trong ngày.
- Chữa viêm thanh quản: Quả la hán sắc lấy nước uống 2 - 3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.
- Chữa ho gà: La hán 1 quả, hồng khô 25g, sắc lấy nước uống.
- Chữa táo bón: Dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.
Lương y Võ Thuận Hóa cho biết thêm: Do quả la hán có vị ngọt, tính mát nên thích hợp với những người có thể chất nhiệt, người có bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa thuộc thể "nhiệt" theo cách phân loại của Đông y. Người có thể chất "dương hư" hay còn gọi là "hư hàn" thường sẽ có biểu hiện như: sợ lạnh, da nhợt nhạt, chân tay lạnh, thích uống ấm, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng… với những người này thì không nên lạm dụng, dùng nhiều nước la hán và nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng quả la hán làm thức uống hằng ngày.