Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 đã diễn ra với rất nhiều cảm xúc trái ngược. Nhưng điều dư luận chú ý nhất có lẽ vẫn là những lễ khai giảng ở những nơi các em học sinh những người thầy phải đối mặt với vất vả, hiểm nguy.
Hình ảnh buổi khai giảng của 600 học sinh ở điểm trường Nậm Ngà bên bờ suối
Ngày khai giảng đi qua, những xót xa còn đọng lại!
Ngày khai giảng, ngành giáo dục cũng đón nhận nhiều sự quan tâm của các ban ngành, các lãnh đạo từ trung ương xuống đến các địa phương, các bậc phụ huynh học sinh đã chung tay làm nên nét đẹp cho ngành giáo dục.
Trong ngày khai giảng ta bắt gặp những hình ảnh đẹp, trang trọng của các trường ở phố phường tạo nên những điểm nhấn cho ngày đầu năm học. Ngày khai giảng, những trường học ở phố phường thì được trang trí lộng lẫy cờ hoa, nhiều lãnh đạo ngành, địa phương đến dự nên buổi Lễ càng thêm trang trọng.
Nhưng, chúng ta cũng không khỏi xót xa nhìn về những hình ảnh còn thiếu thốn, khó khăn của các trường vùng sâu, vùng xa, đặc biệt hình ảnh thầy trò những vùng vừa bị lũ lụt. và có lẽ nhiều người sẽ mãi ám ảnh khi nhìn vào những tấm hình ngày khai giảng năm học của một số trường học.
Đó còn là những thầy giáo phải ngồi gọn trong gầu máy xúc vượt những điểm sạt lở để đến với ngôi trường nơi có những học trò đang đợi mình.
Đó là lễ khai giảng của 600 học sinh ở điểm trường Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) đã dự lễ khai giảng bên bờ suối, dưới trời mưa nhỏ. Việc tổ chức khai giải bên bờ suối là do khuôn viên điểm trường không có sân nên chính quyền xã đã nhờ doanh nghiệp san phẳng một khu đất trống ven suối Nậm Ngà làm nơi tổ chức lễ khai giảng.
Đó cũng còn là lễ khai giảng của không ít những em học sinh miền núi phía Bắc vượt sông, vượt suối, vượt đèo, vượt núi đến trường.
Đó cũng là lễ khai giảng của những em học sinh không thể đi về mỗi ngày vì đường quá xa phải dựng lán ở tạm bờ suối quanh trường. Thức ăn mỗi ngày là muối trắng và cá dưới suối hay chuột trên rừng nếu ngày nào may mắn bắt được.
Những em học sinh, những người thầy đã chẳng quản khó khăn vất vả thậm chí là nguy hiểm để có một lễ khải giảng ý nghĩa cũng như những năm tháng đến trường đều đặn.
Nhìn những tấm hình trong những ngày đầu năm học, ngày khai giảng, chắc ai cũng rưng rưng cảm xúc trong lòng… Rõ ràng, những tấm hình “biết nói” đó đã khiến cho chúng ta chạnh lòng thương cảm cho cả thầy và trò ở trường học đang phải chịu đựng những khó khăn, vất vả, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai.
Những dự án giáo dục nghìn tỷ vẫn đang là dấu hỏi lớn
Lễ khai giảng của các em diễn ra khi trên những trang báo những trang mạng xã hội vẫn ngập tràn những bài viết những clip về những phát biểu gây sốc liên quan đến ngành giáo dục như một vị giáo sư phát biểu rằng “đề án sách giáo khoa 70 nghìn tỷ thực chất chỉ là để chia tiền” hay những động thái “lách luật” từ chính người lãnh đạo ngành giáo dục bằng việc thí điểm...
Có vẻ như đã đến lúc chính những “người trong cuộc” đang nói ra những vấn đề cốt tử của ngành giáo dục mà xưa nay dư luận phần lớn là những người ngoại đạo chỉ biết phong thanh qua những tin đồn đoán.
Tạm gạt sang một bên câu chuyện đổi mới ngành giáo dục đã được bàn bạc cả chục năm trời nhưng vẫn không trở thành hiện thực, chỉ xin làm một cách so sánh thiển cận nhất: Nếu những số tiền nhiều chục nghìn tỷ đó được đầu tư sẽ có hàng trăm cây cầu, hàng trăm ngôi trường kiên cố, những mái nhà nội trú... chắc chắn sẽ có thêm hàng chục ngàn hàng trăm ngàn em học sinh được đến trường, được ở, được học trong trong những điều kiện tốt hơn, những người thày, người cô cắm bản cũng vơi được phần nào nhọc nhằn vất vả.
“Xin đừng bàn những dự án trên trời khi mỗi ngày còn quá nhiều học sinh còn quá nhiều người thầy, người cô phải đối mặt với hiểm nguy để đến trường gieo từng con chữ...”