“Bác ơi, cho cháu hỏi ở đây có nhà cho thuê không?'”, “Cô ơi, nhà mình còn nhà cho thuê không ạ?”... là những điệp khúc quá quen thuộc với những người dân xung quanh các trường đại học, cao đẳng.
Sau khi trúng tuyển nhiều thí sinh nháo nhác đi tìm kiếm phòng trọ
Vào năm học mới, bên cạnh nỗi lo học hành, nhiều sinh viên còn phải “đeo” vào người thêm một nỗi lo: tìm nhà trọ. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM việc tìm được nhà trọ không khó nhưng để phù hợp với túi tiền và sinh hoạt thì không phải là chuyện dễ.
Tân sinh viên “đeo” nỗi lo phòng trọ
Khoảng thời gian cuối tháng 8 là lúc nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước nhộn nhịp với công tác chuẩn bị, đón tân sinh viên nhập học cho năm học mới. Cùng với sự vui mừng háo hức khi đã trúng tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn thì rất nhiều tân sinh viên đầy lo lắng khi phải chật vật tìm kiếm một một nơi ở phù hợp khi bước vào cuộc sống xa nhà. Rất nhiều tân sinh viên từ những các tỉnh xa, về nhập học muộn rất khó khăn, vất vả vẫn chưa tìm được phòng trọ cho năm học mới.
Tại Hà Nội, sinh viên tứ xứ đổ xô về đây vô vàn, chiếm khoảng 90% tỷ lệ sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Nếu có nhà người quen, họ hàng cho ở nhờ cũng tốt, nhưng với những sinh viên lần đầu xa nhà, chân ướt chân ráo lên Hà Nội, tự do vẫn là nhất. Vì thế, một chốn nương thân nơi Hà thành đủ để ăn, ngủ, học hành là niềm mong mỏi của các tân sinh viên.
Hiện nay một số trường như: Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội...đang chuẩn bị công tác nhập học cho tân sinh viên. Đi dọc các phố này, đâu đâu cũng dày đặc những tờ quảng cáo cho thuê nhà trọ khép kín, tuy nhiên để tìm được một phòng trọ ưng ý thì không phải dễ.
Với các tân sinh viên, một suất ở ký túc xá là niềm mơ ước quá xa vời bởi các trường đều đưa ra chỉ tiêu ở ký túc phải là con thương binh, liệt sĩ, con em vùng sâu vùng xa... Đa số sinh viên luôn có nhu cầu sống trong nội trú nhưng thực tế các trường chỉ đáp ứng được rất ít ỏi, khoảng 20-30%. Chưa kể nhiều trường còn không có cả ký túc xá.
Bạn Nguyễn Văn Bình đến từ Thái Nguyên, cho hay: “Em đã đi tìm phòng trọ hai hôm rồi nhưng vẫn chưa có, những phòng trọ ở gần trường nhiều nơi đã hết phòng, nơi còn thì giá cả quá cao, nếu tính riêng tiền phòng cũng từ 1 triệu rưỡi đến 2 triệu, giờ em vẫn ở nhờ nhà bà con nên em rất hi vọng sẽ tìm được nơi giá phòng hợp lí hơn để sớm ổn định”.
Sinh viên gian truân đi tìm nhà trọ
Đi tìm nhà trọ thực sự là “cuộc chiến” vô cùng gay go và khốc liệt không những của tân sinh viên mà còn cả những đối tượng khác. Lòng vòng quanh các vùng tụ điểm đông đảo sinh viên như Thanh Xuân, Phùng Khoang, Trung Hoà, Nhân Chính, Thanh Nhàn, Minh Khai, Láng Thượng, Yên Hoà, Dịch Vọng, Đồng Xa... không hiếm cảnh sinh viên đi “lùng” nhà.
Hầu hết các trường Đại học lớn hiện nay đều không đáp ứng đủ số phòng cho sinh viên. Bởi lẽ số lượng sinh viên khá đông, khóa cũ chưa ra hết khóa mới lại vào nên việc sắp xếp chỗ ở cho sinh viên còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế một lượng lớn sinh viên phải thuê phòng trọ ở ngoài, điều này luôn là nỗi lo hàng đầu của các tân sinh viên khi xa quê lên thành phố học tập.
Biết được điểm thi, Tuấn Anh (tân sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã cùng phụ huynh sốt sắng đi tìm nhà ngay những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8.
“Hai tuần liền, mình lùng sục hết các ngõ hẻm xung quanh địa bàn trường, mở rộng địa bàn nhưng vẫn chưa thể tìm nổi được một căn phòng ưng ý. Nhà thì chật chội, nóng bức, nhà thì lắm âm thanh ồn ào, không thể nào ngồi học được. Nhà thì giá cao quá...”, Tuấn Anh tâm sự và vẫn tiếp tục chặng đường gian nan.
Vấn đề tìm phòng trọ không còn lạ lẫm, nhưng nó vẫn luôn là nỗi lo ám ảnh các tân sinh viên khi bắt đầu một năm học mới. Để tránh những vấn đề đáng tiếc xảy ra, các tân sinh viên nên tìm đến những phòng trọ có an ninh tốt, có thỏa thuận hợp đồng rõ ràng với chủ nhà trọ. Hơn hết nên cần tham khảo ý kiến của người thân hay anh chị đi trước hay cư dân quanh khu vực ở trọ để tìm cho mình một phòng trọ phù hợp.