Viêm thanh khí phế quản cấp hoặc Croup là tình trạng viêm phù nề cấp tính vùng hạ thanh môn thường do siêu vi Parainfluenza, RSV, Adenovirus gây ra. Vậy điều trị bệnh này như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Người lớn và trẻ em đều có thể bị viêm thanh khí phế quản
Bệnh nhân bị viêm thanh khí phế quản cấp sẽ có các biểu hiện lâm sàng nào?
Các bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn đã liệt kê các biểu hiện của bệnh này bao gồm: Sốt nhẹ hay không sốt, khàn tiếng, tiếng rít thanh quản. Thở nhanh, co lõm ngực, tím tái. Khám họng tìm giả mạc để loại trừ bạch hầu.
Phân độ khó thở thanh quản:
Nhẹ: không hoặc ít dấu hiệu khi nằm yên, ăn uống, chơi bình thường. Chỉ khàn tiếng, thở rít khi gắng sức, khóc.
Trung bình: có dấu hiệu khi nằm yên nhưng chưa có dấu hiệu thiếu ôxy. Thở rít khi nằm yên, khó thở, thở nhanh, rút lõm ngực, tim nhanh.
Nặng: có dấu hiệu thiếu ôxy. Tím tái, cơn ngừng thở, lơ mơ.
Cần làm cận lâm sàng nào trong trường hợp này? Bệnh được chẩn đoán xác định khi nào và cần phân biệt với các tình trạng bệnh lý nào?
Đề nghị cận lâm sàng: CTM. Phết họng loại trừ bạch hầu. Khi suy hô hấp hoặc cần chẩn đoán phân biệt X-quang phổi và cổ thẳng. Phát hiện tình trạng hẹp hạ thanh môn (dấu hiệu nóc nhà thờ: Steeple sign). Loại trừ dị vật đường thở. CT scanner cổ ngực khi cần chẩn đoán phân biệt với dị vật đường thở, dị dạng mạch máu hay dị dạng đường dẫn khí. Nội soi thanh khí quản không thực hiện thường quy, chỉ nội soi khi cần chẩn đoán phân biệt dị vật đường thở, khó thở thanh quản tái phát hay thất bại điều trị nội khoa.
Chẩn đoán xác định khi triệu chứng khởi phát có viêm hô hấp trên, khàn tiếng, rít thanh quản và nội soi thấy viêm thanh khí quản.
Chẩn đoán có thể khi có 3 dấu hiệu lâm sàng nêu trên nhưng không có kết quả nội soi thanh khí quản.
Chẩn đoán phân biệt: Ngoại trừ dị vật đường thở, 90% các trường hợp khó thở thanh quản ở trẻ nhỏ là Croup và viêm nắp thanh môn. Bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cũng lưu ý chẩn đoán phân biệt với dị vật đường thở (khó thở thanh quản đột ngột kèm hội chứng xâm nhập). U nhú thanh quản (bệnh nhân có triệu chứng khàn tiếng kéo dài). Bất thường mạch máu bẩm sinh chèn ép khí quản (Vascular ring, Pulmonary sling). Mềm sụn thanh quản, thanh khí quản mềm. Abces thành sau họng (sốt cao, dấu hiệu nhiễm khuẩn, không nuốt được). Viêm nắp thanh môn cấp (thường do vi khuẩn Hemophilus influenza, lâm sàng sốt cao đột ngột và nhanh chóng có biểu hiện khó thở thanh quản, bệnh nhân có kiểu ngồi đặc biệt cúi ra trước, đây là tư thế tốt nhất để làm thông đường thở, tuyệt đối không được ép buộc trẻ nằm xuống vì động tác này có thể làm trẻ ngừng thở. Trên X-quang cổ nghiêng có hình ảnh phù nề vùng thượng thanh môn (dấu ngón tay). Viêm khí quản do vi khuẩn (thường do Staphyloccocus aereus, Streptoccocus hoặc Hemophilus influenza type B. Trẻ sốt cao, vẻ mặt nhiễm trùng kèm dấu hiệu tắc đường thở trên).
Nguyên tắc điều trị viêm thanh khí phế quản cấp là gì và bệnh được điều trị ra sao?
Loại trừ dị vật đường thở.
Hỗ trợ hô hấp.
Giảm phù nề thanh quản.
Điều trị triệu chứng.
Nhẹ: phần lớn các trường hợp tự hồi phục từ 2 - 4 ngày. Điều trị ngoại trú bằng Dexamethason 0,15 mg/kg uống 1 liều duy nhất hoặc Prednison 1 mg/kg/ ngày mỗi 12 giờ trong 2-3 ngày. Không chỉ định kháng sinh. Cho trẻ ăn uống bình thường. Điều trị triệu chứng hạ sốt, giảm ho. Hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ tại nhà và các dấu hiệu nặng cần đi tái khám (co lõm ngực, tiếng rít khi nằm yên). Cần tái khám mỗi ngày.
Trung bình: Nhập viện hoặc có thể điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân ở gần và có điều kiện theo dõi sát. Dexamethason 0,6 mg/kg TB hoặc TM 1 lần, có thể lặp lại sau 6-12 giờ nếu cần. Hoặc Dexamethason 0,15 mg/kg/ngày uống 1 lần/ngày hoặc Prednison 1 mg/kg/ngày uống mỗi 8 - 12 giờ trong 2 - 3 ngày, để kháng viêm, giảm phù nề thanh quản. Hoặc khí dung Budesonid 1 - 2 mg liều duy nhất nếu có chống chỉ định Corticoid toàn thân như đang bị thủy đậu, lao, xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày hoặc trẻ nôn ói nhiều. Thường triệu chứng sẽ cải thiện sau 2 - 6 giờ dùng Corticoids. Sau 2 giờ nếu không cải thiện thì xem xét phối hợp khí dung Adrenalin. Kháng sinh nếu chưa loại nguyên nhân nhiễm khuẩn. Cần tái khám mỗi ngày nếu điều trị ngoại trú.
Đối với trường hợp nặng bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn khuyên người nhà bệnh nhân đưa đi nhập viện cấp cứu. Để bệnh nhân nằm đầu cao. Cần giữ yên trẻ, cho mẹ bồng, tránh khóc vì làm tăng phù nề thanh quản và khó thở nhiều hơn. Thở oxy qua canuyn duy trì SaO2 ≥ 95%. Khí dung Adrenalin để co mạch, giảm phù nề thanh quản Adrenalin khí dung có tác dụng nhanh sau 30 phút và kéo dài khoảng 2 giờ. Liều Adrenalin 1‰ 2 - 5 ml (trẻ < 4 tuổi: 2 ml) hoặc 0,4 – 0,5 ml/kg (tối đa 5 ml). Có thể lặp lại liều 2 sau 30 phút – 1giờ nếu còn khó thở nhiều, và sau đó 1 – 2 giờ nếu cần để đợi tác dụng của Dexamethason. Tối đa 3 liều. Adrenalin chống chỉ định trong tứ chứng Fallot và bệnh lý cơ tim của tâm thất gây tắt đường ra vì có thể gây đột ngột giảm cung lượng tim. Dexamethason 0,6 mg/kg TB hoặc TM 1 lần, có thể lặp lại sau 6-12 giờ nếu cần. Kháng sinh Cefotaxim hoặc Ceftriaxon trong 3 - 5 ngày. Hội chẩn chuyên khoa Tai mũi họng khi không đáp ứng với khí dung Adrenalin hoặc cần chẩn đoán phân biệt. Chỉ định đặt nội khí quản sau thất bại với phun khí dung Adrenalin và tiêm Dexamethason.